Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi Quốc hội ủng hộ ứng viên tổng thống mới

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras kêu gọi Quốc hội ủng hộ ứng viên tổng thống mới nhằm tránh phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.
Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi Quốc hội ủng hộ ứng viên tổng thống mới ảnh 1Tổng thống Hy Lạp đương nhiệm Karolos Papoulias. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/12, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đưa ra giải pháp mang tính thỏa hiệp, động thái được xem là nhằm tránh phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn giữa lúc bất ổn chính trị kéo dài có thể làm chệch hướng các nỗ lực ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.

Trong một bức thư điện tử, ông Samaras cam kết nếu Quốc hội đạt đồng thuận trong việc bầu tổng thống mới, liên minh cầm quyền sẽ được mở rộng để bao gồm thêm những người tin vào tiến trình Hy Lạp hội nhập Liên minh châu Âu (EU).

Ông Samaras nhấn mạnh người dân Hy Lạp không muốn tổng tuyển cử trước thời hạn và mong muốn này là đúng đắn.

Ông Samaras khẳng định liên minh cầm quyền hiện nay làm việc theo đúng Hiến pháp và việc Quốc hội đương nhiệm bầu tổng thống mới là vì lợi ích của đất nước. Ông kêu gọi các nghị sỹ ủng hộ ứng cử viên Stavros Dimas do liên minh cầm quyền giới thiệu trong vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 23/12 tới, nhấn mạnh tổng tuyển cử trước thời hạn là điều "cực chẳng đã" và bất ổn chính trị hiện nay phải chấm dứt.

Trong cuộc bỏ phiếu thứ nhất diễn ra tối 17/12 vừa qua bầu người thay Tổng thống đương nhiệm Karolos Papoulias sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào đầu tháng 3/2015, ông Dimas chỉ nhận được sự ủng hộ của 155 nghị sỹ thuộc liên minh cầm quyền và 5 nghị sỹ đối lập, còn quá xa 200 phiếu cần thiết trong Quốc hội 300 thành viên để trở thành tổng thống mới.

Nếu ông Dimas vẫn không giành đủ tối thiếu 200 phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ hai, Quốc hội sẽ phải tiến hành vòng bỏ phiếu thứ ba và khi đó ứng viên chỉ cần hội đủ 180 phiếu để trở thành tổng thống mới.

Nếu Quốc hội không bầu được tổng thống mới trong cả 3 vòng bỏ phiếu, Hy Lạp sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào cuối năm 2015 khi chính phủ mãn nhiệm, thay cho cuộc tổng tuyển cử định kỳ vào tháng 6/2016.

Theo các nhà quan sát, Chính phủ của ông Samaras muốn bầu tổng thống sớm để nâng cao vị thế của Hy Lạp trong các cuộc đàm phán với EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về sự hợp tác sau khi kết thúc chương trình cứu trợ vỡ nợ trị giá 240 tỷ euro mà 2 thể chế này quyết định trao cho Hy Lạp tháng 5/2012.

Hy Lạp muốn tuyên bố thoát khỏi chương trình này vào cuối năm nay nhưng đã xin kéo dài thêm 2 tháng vì sự chậm trễ trong việc giải ngân 1,8 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục