“Anh - một con người Hà Nội, mũ mốt-xăng, kính gọng vàng, ria con kiến, miệng ngậm ống vố… đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại bằng một khối lượng tác phẩm đồ sộ và một phong cách nghệ thuật riêng có,” giáo sư Hà Văn Cầu đã chia sẻ như vậy khi nhắc tới cố đạo diễn-nhà biên kịch Lộng Chương. Thấm thoắt đã 10 năm kể từ ngày nhà biên kịch Lộng Chương “về với đất mẹ;” nhưng những ký ức về ông vẫn vẹn nguyên trong tâm thức những bạn bè, đồng nghiệp, học trò… của ông. Để rồi, vào một buổi sáng mùa hạ, họ cùng ngồi lại với nhau để ôn lại những câu chuyện về ông với niềm xúc động lắng sâu. Sáng 3/7, Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà biên kịch Lộng Chương đã được tổ chức tại Nhà hát Kim Mã (số 1 Giang Văn Minh, Hà Nội). “Tượng đài nghệ thuật” “Lộng Chương là một nghệ sỹ đam mê sân khấu một cách kỳ lạ. Khi còn là một cậu bé 5, 6 tuổi, ông đã có cơ hội ngồi ở khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội chứng kiến công việc nhắc vở thầm lặng của người cô ruột và hào hứng theo dõi người bác ruột dưới quầng sáng ánh đèn sân khấu…; để rồi nghệ thuật sân khấu truyền thống ngấm vào anh một cách tự nhiên,” nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành, người gắn bó thân thiết với cố đạo diễn Lộng Chương chia sẻ. Theo thống kê của giáo sư Hà Văn Cầu, trong toàn bộ cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, cố nghệ sỹ Lộng Chương đã sáng tác khoảng 140 kịch mục. “Cố nghệ sỹ Lộng Chương đã chọn thể loại hài kịch để dâng hiến cuộc đời và sự nghiệp trên con đường nghệ thuật của mình. Khi nhắc đến ông, trong làng sân khấu đều nhớ đến câu: ‘Muôn thói đời tối đen phải lùi xa qua ngũ ngôn trào LỘNG/ Một tâm hồn hiền hậu luôn đi đầu với đòn bút văn CHƯƠNG,” nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh. Trong toàn bộ sự nghiệp của cố tác giả Lộng Chương, tác phẩm “‘Quẫn’ sừng sững như một đỉnh cao của hài kịch Việt Nam hiện đại, đánh dấu sự chuyên nghiệp hóa của hài kịch Việt Nam,” ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ. Mặt khác, cùng với sở trường hài kịch, Lộng Chương còn là một trong số hiếm hoi tác giả sáng tác được nhiều thể loại khác như: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối… với những tác phẩm tên tuổi như “Tình sử Loa thành,” “Đôi ngọc lưu ly,” “Đinh Bộ Lĩnh”… “Do học từ phương pháp ước lệ của chèo, nên ngôn ngữ kịch của ông luôn sinh động, đa nghĩa, mang theo tính trào lộng, châm biếm. Ông rất thành công trong việc đưa ‘dàn đế’ của chèo vào kịch để tạo nên những lớp diễn đối đáp, giao lưu trực tiếp giữa nhân vật và người xem. Nhiều nhân vật trong sáng tác của ông đã đạt đến độ điển hình và tên nhân vật đã trở thành danh xưng chung như: Bà Đại Cát, kẻ sinh lầm thế kỷ…,” nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ phân tích. Bên cạnh khối lượng tác phẩm sáng tác rất lớn, Lộng Chương còn tham gia chỉnh lý, viết lại và chuyển thể kịch bản của khá nhiều tác giả khác theo yêu cầu dàn dựng sân khấu như vở: “Một dòng,” “Vòng quay,” “Người giám khảo cuối cùng”…Ký ức lắng sâu Với bạn bè, đồng nghiệp, cố tác giả Lộng Chương được hình dung như một người thầy, người anh cả đáng kính-người có công lớn trong việc xây dựng nên cả một thế hệ nghệ sỹ tài năng của sân khấu kịch Việt Nam hiện đại như cố nghệ sỹ nhân dân Trọng Khôi, nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang… Trong ký ức của nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang, cố đạo diễn Lộng Chương “đã làm tất cả những công việc có liên quan đến sân khấu. Anh làm hết mình, hết sức, với tất cả những gì anh có. Anh bán đồ đạc gia đình để góp vào xây dựng một đoàn nghệ thuật. Ngôi nhà anh ở đã từng là nơi đi lại, ăn ngủ của mấy chục diễn viên nơi xa nơi gần.” Thời gian đã lùi xa nhưng với giáo sư Hà Văn Cầu, hình ảnh nhà viết kịch Lộng Chương vẫn luôn được hình dung với những chi tiết đậm nét: “Từ một công tử Hà thành, anh trở thành cán bộ Việt Minh đích thực với áo nâu, quần túm, dép lốp… và một cây đại thụ của nền sân khấu cách mạng Việt Nam với cả trăm tác phẩm phản ánh sinh động đời sống lịch sử xã hội đương thời.” Nhà hoạt động sân khấu tài hoa ấy đã ra đi, gửi mình vào với đất mẹ nhưng nhân cách và sự nghiệp sáng tác của ông vẫn luôn in dấu sâu đậm trong tâm thức nhiều thế hệ nghệ sỹ, khán giả yêu sân khấu truyền thống dân tộc; đúng như câu: “Trăm năm trong cõi người ta/ Thác là thể phách còn là tinh anh!”./.
Nhà biên kịch-đạo diễn Lộng Chương tên thật là Phạm Văn Hiền. Ông sinh ngày 5/2/1918; quê quán: Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương. Ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật đợt II-2000. Một số tác phẩm chính của nhà biên kịch Lộng Chương: “Hầu thánh” (tiểu thuyết, 1942), “A Nàng” (Kịch thơ, 1961), “Kịch Lộng Chương tuyển tập” (1997)… |
Phương Mai (Vietnam+)