Chiều 6/1, tại hội thảo tổng kết 20 năm Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng đây là một lĩnh vực thể hiện rõ rệt sự hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam.
Trong hợp tác ASEAN, Việt Nam bắt đầu tham gia hợp tác về môi trường từ năm 1996. Ngay sau khi thành lập, Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập và tích cực tham gia vào tất cả các lĩnh vực hợp tác môi trường như đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, môi trường biển và đới bờ, công nghệ môi trường, giáo dục môi trường, kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, quản lý tài nguyên nước và sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Sau hơn 20 năm tham gia hợp tác, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong các lĩnh vực hợp tác nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng. Thông qua hợp tác ASEAN, bạn bè trong và ngoài khu vực hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có được thông tin chính xác về những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới, nâng cao hình ảnh của Việt Nam là một đối tác năng động, nhiều tiềm năng. Đồng thời, Việt Nam có điều kiện để học tập và chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận các tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực cũng như chủ động nêu các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác có lợi cho đất nước.
Trong thời gian tới, ASEAN đang nỗ lực xây dựng và triển khai các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 trên cả ba trụ cột gồm an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội, hợp tác nội khối của Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác sẽ được tăng cường, mở rộng nhiều hơn, với nhiều cơ hội Việt Nam cần nắm bắt kịp thời để tăng cường năng lực cho quốc gia và đóng góp tích cực cho Cộng đồng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới.
Hướng tới các giai đoạn hợp tác tiếp theo, Phó Chánh văn phòng Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Trâm đề xuất, các chương trình hợp tác trong lĩnh vực môi trường rất rộng đòi hỏi phải có một cơ chế linh hoạt để có thể huy động tối đa nội lực trong nước nhằm chủ động tham gia một cách có hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường.
Các giải pháp chiến lược cũng cần được tổ chức thực hiện nhằm phát huy và tận dụng thuận lợi, cơ hội, khắc phục khó khăn, hạn chế một cách đồng bộ. Việt Nam cần chủ động xây dựng và đề xuất sáng kiến mang lại lợi ích khu vực và cho Việt Nam cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về hợp tác trong lĩnh vực môi trường ở khu vực./.