20.000 nông trại Pháp có thể bị phá sản nếu FTA EU-Mercosur được ký

Nếu EU ký FTA EU-Mercosur, cho phép hàng chục nghìn tấn thịt bò miễn thuế từ các nước Mercosur xâm nhập thị trường liên minh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi gia súc của Pháp.
20.000 nông trại Pháp có thể bị phá sản nếu FTA EU-Mercosur được ký ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr)

Hơn 20.000 chủ nông trại của Pháp có thể bị phá sản nếu Liên minh châu Âu (EU) và 4 nước Nam Mỹ trong Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ngày 23/2, Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Pháp - liên đoàn nông trại lớn nhất của quốc gia châu Âu này - đã đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh quá trình đàm phán về hiệp định trên giữa hai bên đang gần đến đích.

Phát biểu trên đài truyền hình BFM, bà Christiane Lambert, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Pháp, khẳng định nền kinh tế lớn thứ 7 của thế giới đang đứng trước nguy cơ mất đi khoảng từ 20.000 đến 25.000 nông trại nếu EU ký thỏa thuận thương mại nói trên, cho phép hàng chục nghìn tấn thịt bò miễn thuế từ các nước Mercosur xâm nhập thị trường liên minh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi gia súc của Pháp.

Bà Lambert bày tỏ quan ngại trong quá trình đàm phán FTA, giới chức EU sẽ dễ dàng bỏ qua các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm để đổi lấy quyền tiếp cận một thị trường với hơn 260 triệu khách hàng tiềm năng có nhu cầu đối với các mặt hàng của EU như ôtô, linh kiện ôtô, các chế phẩm từ sữa và các sản phẩm cùng dịch vụ khác.

Trước những quan ngại nêu trên, ngày 22/2, Tổng thống Emmanuel Macron đã có buổi tiếp xúc trấn an giới chủ nông trại. Ông cam kết chính phủ sẽ không hạ thấp các quy định về mức độ an toàn đối với xã hội, môi trường và sức khỏe, cụ thể với hàng nông sản là thịt.

Ông Macron khẳng định thịt có chứa các hoócmôn tăng trưởng sẽ không được phép có mặt tại thị trường Pháp.

Trước đó một ngày, các chủ trang trại chăn nuôi gia súc trên toàn nước Pháp đã đồng loạt biểu tình, phản đối thỏa thuận giữa EU và Mercosur nói trên.

Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về chất lượng an toàn sản phẩm thịt nhập khẩu từ các nước Nam Mỹ do việc sử dụng hormone tăng trưởng trong chăn nuôi gia bò được công nhận là hợp pháp ở khu vực này là điều cấm kỵ tại châu Âu.

Các cuộc biểu tình diễn ra sau khi vòng đàm phán tiếp theo giữa EU và 4 nước Mercosur nối lại ngày 21/2 tại Brussels, Bỉ.

Theo thông báo của Ngoại trưởng Paraguay, hiện hai bên đã hoàn tất được 90% chi tiết thỏa thuận, trong đó có vấn đề xuất khẩu thịt bò sang châu Âu.

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách vấn đề nông nghiệp của EU Phil Hogan khẳng định kết quả đàm phán vẫn trong tình trạng mở.

Tại vòng đàm phán trước, EU nhất trí mỗi năm cho phép 99.000 tấn thịt bò từ các nước Nam Mỹ xuất sang khối thị trường chung châu Âu, cao hơn so với mức đề xuất ban đầu 70.000 tấn, và thông tin này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới chủ nông trại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục