Theo công ty tư vấn viễn thông Ovum, thị trường điện thoại thông minh (smartphone) của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng gấp đôi lên 200 triệu thuê bao vào năm 2016, với sản phẩm Android của tập đoàn Google sẽ là hệ điều hành được ưa chuộng nhất.
Ovum cho biết với sự phổ biến ngày càng rộng rãi các thiết bị cầm tay cho phép người sử dụng truy cập Internet và thư điện tử, điện thoại thông minh sẽ chiếm gần 1/3 tổng thuê bao điện thoại di động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2016.
Ovum cho biết với sự phổ biến ngày càng rộng rãi các thiết bị cầm tay cho phép người sử dụng truy cập Internet và thư điện tử, điện thoại thông minh sẽ chiếm gần 1/3 tổng thuê bao điện thoại di động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2016.
Và mặc dù sản phẩm iPhone của Apple đang không ngừng gặt hái thành công lớn, Ovum cho rằng trong thời gian tới Android sẽ là hệ điều hành phổ biến nhất khi mà hiện nay phần mềm này đã được sử dụng trong rất nhiều thiết bị.
Theo Ovum, trong thời gian từ 2010-2016, số lượng thuê bao điện thoại thông minh tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng với tốc độ hàng năm 12,5%, và chiếm khoảng 32% tổng thuê bao điện thoại di động trong khu vực.
Trong cùng giai đoạn này, doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu dự kiến sẽ đạt 653 triệu chiếc, trong đó châu Á-Thái Bình Dương chiếm 30,7%.
Adam Leach, nhà phân tích của Ovum, đánh giá thị trường điện thoại thông minh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới, và một lần nữa vượt sức tăng trưởng của thị trường điện thoại di động nói chung.
Ông Leach còn cho biết thời gian tới sẽ chứng kiến sự thay đổi đang kể trong thứ hạng thị phần các phần phềm điện thoại thông minh, trong đó Android vươn lên dẫn đầu với 38,7% thị phần vào năm 2016, tiếp đến là Windows Phone (22,6%), iOS của Apple (19%), và phần mềm của BlackBerry (9,2%).
Ông đánh giá thành công của hệ điều hành Android là nhờ có nhiều nhà cung ứng phần cứng sử dụng phần mềm này ở cả thị trường cao cấp và thấp cấp hơn, song ông cũng cho rằng trong thời gian tới, sẽ có ít nhất một hệ điều hành khác đạt được thành công như vậy, có thể là các hệ điều hành hiện có trên thị trường như Bada, WebOS, hoặc MeeGo, hay cũng có thể là một phần mềm hoàn toàn mới.
Hồi tháng 2 vừa qua diễn ra một sự kiện làm thay đổi thị trường điện thoại thông minh, đó là việc Nokia thiết lập liên minh với Microsoft trong một chiến lược quy mô lớn nhằm giành lại thị phần từ tay Apple và Google.
Điều này sẽ dẫn tới sự suy giảm đáng kể doanh số bán các sản phẩm cầm tay sử dụng hệ điều hành Symbian của Nokia khi mà hãng này chuyển sang sử dụng Windows Phone làm phần mềm chủ chốt cho các sản phẩm điện thoại thông minh của mình.
Ông Leach cho rằng đối với Microsoft, thương vụ này mang lại cho tập đoàn một đối tác đáng tin cậy có thể đưa Windows Phone trở thành phần mềm điện thoại thông minh chủ lực trên thị trường, song cũng có thể mang lại rủi ro, đó là các hãng chế tạo điện thoại di động khác có thể chọn cách không cạnh tranh với Nokia và quay lưng lại với phần mềm Windows Phone./.
Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)