23 ngân hàng Mỹ đóng cửa trong 2 tháng đầu năm

Trong 2 tháng đầu năm, tại Mỹ có 23 ngân hàng "sập tiệm," mới nhất là Ngân hàng Valley Community ở bang Illinois bị đóng cửa ngày 25/2.
Trong hai tháng đầu năm nay, tại Mỹ đã có 23 ngân hàng "sập tiệm" mà mới nhất là Ngân hàng Valley Community ở bang Illinois bị đóng cửa ngày 25/2 vừa qua.

Thông báo ra cùng ngày của Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết Ngân hàng Valley Community có tổng tài sản trị giá 123,8 triệu USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 124,2 triệu USD. Việc ngân hàng này bị đóng cửa tiêu tốn của Quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC khoảng 22,8 triệu USD.

Ngân hàng First State, cũng có trụ sở tại bang Illinois, sẽ tiếp quản toàn bộ tài sản và lượng tiền gửi của khách hàng của Valley Community Bank.

Trong năm 2010, tổng cộng 157 ngân hàng ở Mỹ phải đóng cửa, con số cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm hồi năm 1992 tới nay. Tổng giá trị tài sản của 157 ngân hàng nói trên đạt khoảng 92 tỷ USD.

Tuy nhiên, do phần lớn các ngân hàng phá sản trong năm 2010 là những ngân hàng nhỏ nên chi phí bảo hiểm tiền gửi cho các ngân hàng này cũng chỉ ở mức 21 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với khoản phí bảo hiểm 36 tỷ USD mà chính quyền liên bang phải trả cho sự sụp đổ của 140 ngân hàng trong năm 2009.

Mặc dù đưa 884 ngân hàng của Mỹ vào danh sách các định chế tài chính "có vấn đề" trong quý IV/2010, con số cao nhất trong 18 năm qua, FDIC vẫn cho rằng thời điểm khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua.

FDIC ước tính từ năm 2010 tới hết năm 2014, tổng số tiền bảo hiểm tiền gửi mà họ phải trả cho các ngân hàng phá sản là 52 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục