Quảng Trị đang hiện thực hóa khát vọng vươn lên với việc hội nhập sâu rộng, xác định hướng đi đột phá để phát huy thế mạnh, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Khôi phục phát triển kinh tế-xã hội
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao vào năm 2025 và nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Năm 2022, Quảng Trị chọn chủ đề “Trách nhiệm kỷ cương-Thích ứng an toàn-Thúc đẩy tăng trưởng.” Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất được tỉnh xác định trong năm 2022 là vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2023. Thực hiện kế hoạch này tỉnh ưu tiên hỗ trợ 4 lĩnh vực gồm: Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch.
Về nông nghiệp, Quảng Trị hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung vùng nguyên liệu. Về công nghiệp, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Đối với thương mại và dịch vụ, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu, đảm bảo thông quan xuất khẩu.
Với du lịch, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm đến; tăng cường truyền thông xúc tiến quảng bá, liên kết và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; khôi phục và mở cửa hoạt động du lịch.
Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch COVID-19 được kiểm soát, sản xuất và đầu tư dần sôi động trở lại, tạo việc làm cho nhiều lao động. Nhiều dự án và công trình được triển khai nên nhu cầu thị trường về vật liệt xây dựng tăng cao.
Do đó, Công ty Cổ phần gốm cao cấp Hạ Long đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy sản xuất gạch tuynel công nghệ cao Hạ Long ở Cụm công nghiệp Hải Lăng. Dự án được triển khai trên diện tích 40.800 m2, vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, công suất 48 triệu viên/năm, thời gian thực hiện trong hai năm 2022-2023.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần gốm cao cấp Hạ Long, cho biết khi đi vào hoạt động nhà máy tạo việc làm trực tiếp cho 120 lao động địa phương, cung cấp sản phẩm gạch tuynel chất lượng cao cho các tỉnh khu vực miền Trung, đóng góp cho ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài ra, nhiều dự án tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh được khởi công như: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 có quy mô 120 ha được thực hiện tại hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2026-2027. Dự án xây dựng Khu công nghiệp Quảng Trị tại huyện Hải Lăng có quy mô trên 481 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng...
So với cùng kỳ năm trước, trong quý 1 năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng hơn 31%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 35%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8%; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt trên 4.741 tỷ đồng, tăng 16%. Ba tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 1.553 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, tỉnh đang lập quy hoạch giai đoạn từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng bởi quy hoạch tốt sẽ định hướng chiến lược phát triển tỉnh với tầm nhìn dài hạn, từ đó dẫn dắt kết nối thúc đẩy đầu tư xã hội, giúp Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
[Quảng Trị sau 50 năm giải phóng: Nửa thế kỷ đổi mới và phát triển]
Cũng như nhiều người khác, ông Nguyễn Hữu Cần, 72 tuổi, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Triệu Long, huyện Triệu Phong kỳ vọng, mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn nhưng người dân Quảng Trị đón mừng 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022) với tinh thần lạc quan và đặt nhiều kỳ vọng.
Quảng Trị đã chịu nhiều mất mát đau thương do chiến tranh, người dân có khát vọng rất lớn là tỉnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thu hút đầu tư, xây dựng được thêm nhiều nhà máy, công trình mới. Qua đó, sớm hiện thực hóa được khát vọng đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Xác định hướng đi đột phá
Tỉnh Quảng Trị ưu tiên thu hút đầu tư vào năng lượng sạch để hạn chế tác động đến môi trường; trong đó điện mặt trời, điện khí ở vùng ven biển phía Đông và điện gió ở vùng miền núi phía Tây. Từ đó đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030, với tổng công suất khoảng 10.000 MW.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị được Chính phủ đồng ý quy hoạch là Trung tâm năng lượng của miền Trung nên tỉnh rất kỳ vọng quy hoạch này tạo động lực cho phát triển kinh tế. Thực tế các dự án điện gió mới triển khai và đi vào hoạt động trong thời gian ngắn (năm 2021) nhưng đã cho thấy hiệu quả rất rõ đối với phát triển kinh tế của địa phương.
Đến tháng 4/2022, tỉnh đã có 19 dự án điện gió phát điện thương mại với công suất trên 671 MW. Hiện nay, Quảng Trị đang triển khai xây dựng thêm 12 dự án điện gió; trong đó dự kiến có từ 3-5 dự án hoàn thành và phát điện thương mại trong năm 2022.
Ngoài ra, tỉnh còn 53 dự án điện gió đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch. Ước tính 1 MW điện gió đóng góp vào nguồn thu của địa phương từ 600-800 triệu đồng/năm. Làm điện gió cũng ít tác động đến môi trường, khi làm 1 MW điện gió chỉ sử dụng 0,65 ha đất, trong đó có 0,35 ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3 ha là tạm thời.
Ở vùng ven biển phía Đông, tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh đang triển khai 1 dự án nhiệt điện than công suất 1.320 MW vốn đầu tư trên 55.000 tỷ đồng; Trung tâm điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Hải Lăng với 3 dự án có tổng công suất 6.340 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD.
Tỉnh cũng đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục để đầu tư xây dựng Nhà máy điện khí công suất 340 MW tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị do Tập đoàn Gazprom của Nga đầu tư với số vốn khoảng 300 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh còn có 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW đi vào hoạt động ở ven biển huyện Gio Linh.
Đối với hạ tầng và giao thông, Quảng Trị đang triển khai các dự án trọng điểm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội và liên kết vùng. Đó là Dự án Cảng hàng không Quảng Trị xây dựng tại huyện Gio Linh, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư cuối năm 2021. Quy mô dự án theo quy hoạch là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.800 tỷ đồng.
Dự án đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình. Đây là công trình trọng điểm nên được tỉnh tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện vào năm 2025. Dự án có tổng chiều dài gần 56 km gồm 2 đoạn: Đoạn 1 từ Nam cầu Cửa Việt đến ranh giới tỉnh Quảng Bình dài khoảng 44 km; đoạn 2 từ đường ven biển đến trung tâm thành phố Đông Hà dài gần 12km. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 2.000 tỷ đồng.
Tỉnh đang chuẩn bị đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo dài khoảng 70km, vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Dự án Quốc lộ 15D nối cảng biển nước sâu Mỹ Thủy với Cửa khẩu Quốc tế La Lay, chạy song song với Quốc lộ 9 có chiều dài khoảng 92km, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng.
Quảng Trị cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị. Đây là dự án hạ tầng rất quan trọng của tỉnh có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Ngoài ra còn có Dự án đầu tư xây dựng cảng CFG Nam Cửa Việt nằm đối diện với cảng biển Cửa Việt hiện tại. Cảng biển này có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn, vốn đầu tư 640 tỷ đồng.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư chiến lược trong, ngoài nước đã đến Quảng Trị nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự về năng lượng, hạ tầng, đô thị... có quy mô lớn như các tập đoàn: T&T, Vingroup, Big C, Bitexco Group, Liên doanh VSIP - Amata-Sumitomo.
Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo cùng 5 khu công nghiệp: Tây Bắc Hồ Xá, Quán Ngang, Nam Đông Hà, Triệu Phú và Khu công nghiệp Quảng Trị đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Quảng Trị phấn đấu đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích về đầu tư; trong đó ưu tiên du lịch biển trong việc hình thành tam giác du lịch biển Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ. Đồng thời, tỉnh phát huy thương hiệu du lịch đã được xây dựng là “Ký ức chiến tranh-Khát vọng hòa bình,” với hệ thống gần 500 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Đường Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị.
Theo ông Hồ Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị: Giai đoạn 2022-2030, tỉnh trích ngân sách 72,5 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đầu tư hạ tầng tại các khu du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo nhân lực, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích phát triển “6 cây, 2 con chủ lực,” gắn với liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó 6 cây chủ lực gồm càphê, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và cây dược liệu, gỗ rừng trồng; 2 con chủ lực là tôm và bò.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe, tỉnh đang xây dựng vùng nguyên liệu đối với những cây trồng mà địa phương có thế mạnh, gắn với chế biến sâu để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao như các loại cây dược liệu./.