6 bệnh viện được Chính phủ phê duyệt nâng cấp ngang tầm quốc tế

Việc nâng cấp 6 bệnh viện ngang tầm quốc tế nhằm giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị thành công cho bệnh nhân tim bằng phương pháp triệt đốt rung nhĩ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị thành công cho bệnh nhân tim bằng phương pháp triệt đốt rung nhĩ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ có 6 bệnh viện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế được nâng cấp thành bệnh viện ngang tầm quốc tế.

Trong đó, tại Hà Nội sẽ có 3 bệnh viện, 2 bệnh viện khác tại Thành phố Hồ Chí Minh và 1 bệnh viện ở Thừa Thiên Huế.

Đó là nội dung trong Quyết định số 201/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, trong dự thảo quy hoạch, Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế. Như vậy, theo quyết định này Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 1 bệnh viện được nâng cấp.

Việc nâng cấp 6 bệnh viện nhằm giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. Những bệnh viện này được đầu tư chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế.

Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 33 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, 3,4 dược sĩ trên 10.000 dân và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh/10.000 dân, 19 bác sĩ/10.000 dân, 4 dược sĩ/10.000 dân, 33 điều dưỡng/10.000 dân.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành y tế Việt Nam hình thành một số cơ sở y tế hiện đại ngang tầm quốc tế. Phấn đấu đạt 45 giường bệnh trên 10.000 dân, 35 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,5 dược sĩ trên 10.000 dân, 90 điều dưỡng trên 10.000 dân. Đồng thời, mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân, phấn đấu tỷ lệ giường bệnh tư nhân ít nhất chiếm 10% vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023 có 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân, 32 giường bệnh trên 10.000 dân. Với con số này, Việt Nam ngang với Ấn Độ, cao hơn Indonesia, kém một số nước như Australia là 36, Pháp 34, Trung Quốc 22 giường bệnh trên 10.000 dân. Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện năng lực đào tạo bác sĩ trên cả nước vào khoảng 13.000 bác sĩ tốt nghiệp/năm. Đây là cơ sở để Việt Nam đạt được mục tiêu có 15 bác sĩ trên 10.000 dân vào 2025.

Đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ từng bước đảm bảo đủ số lượng, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; đưa ra các chính sách đãi ngộ phù hợp, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; xây dựng quy định về tính đúng tính đủ giá dịch vụ để đảm bảo nguồn lực tự chủ hoạt động của các bệnh viện, góp phần tăng thu nhập cho nhân viên; sắp xếp bộ máy y tế cơ sở phù hợp theo quy mô dân số thay vì theo địa giới hành chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục