6 nước châu Âu ký Tuyên bố bảo vệ hạ tầng ở Biển Bắc

Tình hình Biển Bắc và Biển Baltic xấu đi sau khi Nord Stream AG ngày 27/9/2022 thông báo ghi nhận các vụ nổ xảy ra trên các tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2.

Vị trí rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic ngày 27/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vị trí rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic ngày 27/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, 6 quốc gia gồm Bỉ, Anh, Đan Mạch, Đức, Na Uy và Hà Lan vừa ký Tuyên bố chung bảo vệ cơ sở hạ tầng ở Biển Bắc.

Trong tuyên bố, Thứ trưởng An ninh Năng lượng Anh Andrew Bowie khẳng định Biển Bắc là động lực thúc đẩy tham vọng năng lượng tái tạo và lượng phát thải ròng bằng không của châu Âu, giúp tăng cường an ninh năng lượng của lục địa này.

Do đó, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của các nước này hiện tại và trong tương lai.

Khí đốt và dầu mỏ ở Biển Bắc là nguồn tài nguyên quan trọng đối với toàn bộ thị trường năng lượng châu Âu. Những thách thức an ninh gần đây ở Biển Bắc hay Biển Baltic cho thấy các không gian an ninh chiến lược của châu Âu dễ bị tổn thương như thế nào.

Vụ đánh bom đường ống khí đốt Nord Stream năm 2022 là hồi chuông cảnh báo về các cơ sở hạ tầng không được bảo vệ của châu Âu đang ngày một lộ rõ.

Tình hình ở Biển Bắc và Biển Baltic xấu đi sau khi Nord Stream AG ngày 27/9/2022 thông báo ghi nhận các vụ nổ xảy ra trên các tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2 trước đó một ngày.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức đã mở các cuộc điều tra riêng rẽ, trong khi Nga cũng tiến hành điều tra theo hướng nghi hành vi phá hoại.

Hiện Đan Mạch đã dừng điều tra với lý do không đủ cơ sở để theo đuổi vụ việc. Thụy Điển cũng đưa ra quyết định tương tự với lý do nước này không có đủ thẩm quyền trong vụ việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục