6 tháng đầu năm, giải ngân vốn ODA đạt 2,2 tỷ USD

Tuy mức giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2013 đã đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ nhưng kết quả này vẫn chưa như mong muốn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), trong nửa đầu của năm 2013, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên cả nước ước đạt 2,2 tỷ USD, đạt 51% kế hoạch của năm 2013 và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên theo đánh giá từ MPI, hoạt động giải ngân ODA vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn do gặp nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, quy hoạch tại các địa phương chưa đồng bộ.

Ngoài ra, sự khác biệt và quy trình thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, thời gian chuẩn bị dự án bị kéo dài cũng như tình trạng thiếu vốn đối ứng và năng lực quản lý ODA của ở một số cơ quan các cấp… là những bất cập, cản trở việc giải ngân nguồn vốn này.

Mới đây, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các dự án ngành giao thông do MPI tổ chức, đại diện của hai  nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã thẳng thắn chỉ ra, nhiều dự án giao thông trọng điểm khởi động chậm, trong đó một số dự án đã phải gia hạn song tiến độ giải ngân vẫn ì ạch. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn đối ứng và điều đáng nói, dự án càng chậm tiến độ lại càng đội giá so với dự toán ban đầu, khiến giải ngân thêm khó khăn.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra một số vướng mắc khách quan, do hầu hết các dự án vay vốn nước ngoài đều phải điều chỉnh tăng vốn để đạt được mục tiêu ban đầu hoặc đều phải cơ cấu lại, thu hẹp quy mô dự án để đảm bảo phù hợp với nguồn vốn được phân bổ đồng thời việc thực hiện dự án kéo dài đã làm tăng thêm chi phí quản lý dự án, tư vấn...

Cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thực trạng trên là rất đáng lo ngại và công tác triển khai những dự án ODA giao thông thời gian qua tuy có những tiến bộ nhưng hầu hết vẫn kém và hạn chế. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án ODA về giao thông bằng cách ưu tiên sử dụng vốn đối ứng cho các dự án quan trọng cấp thiết và tái cấu trúc các dự án đang thực hiện.

Trong một khảo sát gần đây nhất từ Ủy ban Hỗ trợ phát triển (DAC) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức có thể sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2013 vì một số nước thành viên vẫn có khả năng tăng viện trợ. Bên cạnh đó, khảo sát này của DAC cũng cho thấy dòng vốn ODA có khả năng sẽ chuyển hướng sang các nước có thu nhập trung bình tại vùng Viễn Đông, Nam và Trung Á, trong đó có Việt Nam.

Do đó, để tăng cường thu hút và giải ngân nguồn vốn ODA hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn trước mắt tại một số công trình trọng điểm quốc gia đồng thời Bộ sẽ khẩn trương tổng hợp trình Chính phủ phương án huy động vốn để triển khai và giải phóng mặt bằng tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Bộ cho biết cũng sẽ khẩn trương hoàn chỉnh và ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát đầu tư, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, hạn chế việc doanh nghiệp ứng vốn để thực hiện dự án trong khi chưa xác định được khả năng cân đối vốn./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục