7 ngày thế giới công nghệ: Các mạng xã hội ganh đua kinh doanh

Trong tuần qua, những cái tên như YouTube, Facebook, Twitter được giới công nghệ nhắc tới nhiều khi các mạng xã hội này liên tiếp có những động thái tăng cường hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Trong tuần qua, những cái tên như YouTube, Facebook, Twitter được giới công nghệ nhắc tới nhiều khi các mạng xã hội này liên tiếp có những động thái tăng cường hoạt động kinh doanh trực tuyến trong bối cảnh lĩnh vực thương mại-quảng cáo trực tuyến đang có những biến chuyển lớn.

Trong khi Facebook, Twitter tìm mọi cách "ve vãn" các nhà quảng cáo trực tuyến với các chương trình, công cụ giúp đưa các nội dung quảng cáo đến gần người dùng hơn nữa thì YouTube của Alphabet (tên mới của Google) lại đi theo chiều ngược lại khi họ tung ra dịch vụ YouTube Red, một dịch vụ trả tiền xem "video sạch" không đính kèm quảng cáo.

Dưới đây là những sự kiện công nghệ nổi bật trong tuần qua:

YouTube cung cấp dịch vụ xem "video sạch" tại thị trường Mỹ

7 ngày thế giới công nghệ: Các mạng xã hội ganh đua kinh doanh ảnh 1

Tập đoàn Alphabet Inc (trước đây là Googgle) sở hữu YouTube, ngày 21/10 thông báo họ sẽ ra mắt một tùy chọn đăng ký thuê bao 10 USD một tháng tại thị trường Mỹ vào ngày 28/10 này, cho phép người dùng xem video trên trang web dịch vụ chia sẻ video trực tuyến mà không bị gián đoạn từ quảng cáo.

Bắt đầu từ đầu năm tới, dịch vụ này có tên gọi là YouTube Red sẽ bổ sung thêm các chương trình độc quyền và phim từ các tài khoản trong nhóm những tài khoản kiếm tiền nhiều nhất từ YouTube như Felix Kjellberg, Lilly Singh và The Fine Brothers.

Robert Kyncl, giám đốc kinh doanh của YouTube, cho biết tại một sự kiện về các sản phẩm của công ty tại Los Angeles cho biết nhu cầu thuê bao trả tiền để xem các nội dung video không có quảng cáo đang gia tăng nhanh chóng.

YouTube và những chuyên gia sáng tạo nội dung video cho mạng chia sẻ video trực tuyến này hy vọng YouTube Red sẽ mang lại một nguồn thu nhập mới cho họ.

Twitter cải thiện quan hệ với giới quảng cáo, phát triển ứng dụng

7 ngày thế giới công nghệ: Các mạng xã hội ganh đua kinh doanh ảnh 2

Trong lần xuất hiện công khai thứ hai kể từ khi được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành thường trực của Twitter Inc vào đầu tháng này, Jack Dorsey, ngày 21/10 đã có lời xin lỗi tới các nhà phát triển đang làm việc với công ty truyền thông xã hội này để tạo ra các ứng dụng.

Hành động trên của Dorsey diễn ra trong bối cảnh ông bắt đầu một nỗ lực xoay chuyển tình hình ở Twitter - Tiểu blog này đang phải vật lộn với việc duy trì đà tăng trưởng lượng người sử dụng và thu hút tiền quảng cáo - trong khi chuẩn bị cho việc ra mắt công ty thanh toán di động, có tên gọi là Square, vào cuối năm nay.

Phát biểu tại hội nghị các nhà phát triển ứng dụng hàng năm của công ty ở San Francisco, ông Dorsey thừa nhận thời gian qua, giữa tiểu blog này với các nhà phát triển ứng dụng đã có những khúc mắc và ông nhấn mạnh đây là thời điểm để "khởi động lại" mối quan hệ giữa hai bên.

"Chúng ta sẽ thiết lập lại mối quan hệ của chúng ta và chúng tôi muốn chắc chắn rằng chúng ta đang học, ​rằng chúng ta đang lắng nghe và rằng chúng ta được khởi động lại." - Dorsey nhấn mạnh.

Chìa khóa để nỗ lực của Twitter trở thành hiện thực là làm việc chặt chẽ hơn với các nhà phát triển để họ sử dụng các công cụ phần mềm từ công ty và tạo ra các ứng dụng riêng của họ. Và lời xin lỗi của Dorsey dường như là một nỗ lực để thiết lập một sự đồng điệu mới ​giữa hai bên.

Dorsey cũng cần phải giúp công ty tăng doanh thu từ quảng cáo và các tweet (tin nhắn) quảng cáo. Và cũng tại sự kiện hôm thứ Tư, phía Twitter đã kêu gọi các nhà quảng cáo tiềm năng làm nổi bật khả năng của tiểu blog này.

Apple loại nhiều ứng dụng vì thu thập dữ liệu cá nhân người dùng

Apple đã loại bỏ một số ứng dụng khỏi gian hàng ứng dụng (App Store) của hãng ở Trung Quốc, sau khi phát hiện hàng trăm ứng dụng iOS truy cập vào bảo mật dữ liệu cá nhân của người sử dụng.

Trong một báo cáo công bố ngày Chủ Nhật (18/10) vừa qua, các nhà nghiên cứu tại hãng bảo mật SourceDNA cho biết họ đã tìm thấy 256 ứng dụng vi phạm nguyên tắc bảo mật của Apple bằng cách sử dụng phần mềm có thể thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng, bao gồm cả email và mã số thiết bị của họ.

SourceDNA không nêu tên các ứng dụng vi phạm nhưng cho biết hầu hết đến từ các nhà phát triển ứng dụng ở Trung Quốc.

Theo công ty này, điểm chung của các ứng dụng vi phạm là chúng được xây dựng từ một bộ phát triển phần mềm (SDK) do Youmi, một công ty quảng cáo của Trung Quốc phát triển.

Theo Apple và SourceDNA, SDK của Youmi đã truy cập vào dữ liệu người dùng, bao gồm địa chỉ email, số điện thoại nối tiếp và một danh sách các ứng dụng được tải xuống và tải lên các dữ liệu cho máy chủ riêng của nó.

Các nhà nghiên cứu của SourceDNA cho biết có vẻ như các nhà phát triển các ứng dụng vi phạm không biết SDK đã được sử dụng để thu thập thông tin cá nhân từ người dùng sản phẩm của họ.

Apple hiện cấm các nhà phát triển sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) để thu thập các loại dữ liệu cá nhân, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết SDK của Youmi dường như đã bắt đầu quá trình thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng iPhone gần hai năm trước, sau khi bộ phần mềm này vượt qua quá trình kiểm duyệt ban đầu của Apple.

Apple Music đã có 6,5 triệu thuê bao sau giai đoạn dùng thử

Cho đến nay, dịch vụ âm nhạc Apple Music của Apple đã có 6,5 triệu thuê bao sau khi kết thúc giai đoạn dùng thử 90 ngày.

Phát biểu tại hội nghị WSJ.D Live do Nhật báo Phố Wall tổ chức tối 19/10 (theo giờ Mỹ), giám đốc điều hành Tim Cook của Apple cho biết trong giai đoạn dùng thử đầu tiên vào tháng 7, Apple Music đã thu hút được 11 triệu người dùng và bây giờ là 15 triệu (không bao gồm con số người chính thức thuê bao).

Theo dự báo, con số trên sẽ giảm đi đáng kể khi giai đoạn dùng thử kết thúc. Tuy nhiên, với 6,5 triệu thuê bao đạt được, giám đốc điều hành Tim Cook cho biết ông cảm thấy hài lòng với kết quả này. "Nó là điều tốt" - ông Cook nhấn mạnh.

Ra mắt công chúng vào tháng Sáu, Apple Music có phí thuê bao là 9,99 USD/tháng cho phép người dùng được tiếp cận không giới hạn vào thế giới âm nhạc, cạnh tranh với những tên tuổi như Spotify và Rdio.

Cũng tại sự kiện trên, Tim Cook đã có những chia sẻ về các dự án gây xôn xao dư luận thời gian qua của hãng như dự án xe tự lái và việc làm mới thiết bị Apple TV.

Giám đốc CIA bị tin tặc tấn công, đánh cắp một số tài liệu nhạy cảm

Tài khoản thư điện tử cá nhân của Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan đã bị một tin tặc tấn công và đánh cắp một số tài liệu nhạy cảm, trong đó có một hồ sơ xin phép sử dụng thông tin mật.

Theo tờ New York Post ngày 18/10, tin tặc tự nhận là học sinh trung học này đã chủ động liên hệ với tờ báo để kể về vụ xâm nhập của mình. Về cách thức, đối tượng cho biết đã sử dụng phương pháp lừa đảo qua mạng (social engineering) để lừa các nhân viên của Verizon, công ty mẹ của AOL - hãng cung cấp tài khoản thư điện tử của quan chức CIA, tiết lộ thông tin cá nhân của ông Brennan sau đó thuyết phục AOL thay đổi mật khẩu tài khoản.

Theo tin tặc này, trong tài khoản thư điện tử cá nhân của ông Brennan có một loạt các tài liệu nhạy cảm, trong đó có một hồ sơ dày 47 trang xin phép sử dụng thông tin mật. Đối tượng này khẳng định không phải là một tín đồ Hồi giáo, song tiến hành vụ tấn công do phản đối chính sách ngoại giao của Mỹ và ủng hộ Palestine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục