“Trong tháng 1/2021, hơn 81 tỷ USD vốn tiếp tục chảy vào cổ phiếu ở cả thị trường phát triển và mới nổi” là thông tin được Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) công bố trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 2 với chủ đề “Cơ hội trong biến động.”
SSI cho biết, dòng vốn vào cổ phiếu toàn cầu đã đổi hướng trong 5 tháng gần đây, đặc biệt mạnh mẽ từ tháng 11/2020 khi đón nhận kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và các thông tin tích cực về vắcxin COVID-19.
Trong tháng 1/2021, hơn 81 tỷ USD vốn tiếp tục chảy vào cổ phiếu ở cả thị trường phát triển và mới nổi.
Các quỹ hoán đổi danh mục - ETF (quỹ đầu tư thụ động) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong xu hướng tích cực của dòng vốn vào cổ phiếu.
Lũy kế 12 tháng gần nhất, dòng vốn vào các quỹ chủ động dù có chiều hướng tích cực hơn trong 3 tháng gần đây nhưng vẫn rút ròng gần 110 tỷ USD; trong khi đó, dòng tiền vào quỹ ETF ngày càng mạnh, tổng cộng đã hút ròng 351,5 tỷ USD.
Chuỗi 15 tuần liền có dòng tiền vào của cổ phiếu các thị trường mới nổi bị gián đoạn bởi dòng vốn ETF liên tục rút mạnh khỏi thị trường Trung Quốc.
Tổng cộng có 6,4 tỷ USD vốn ETF rút khỏi Trung Quốc đại lục trong tháng 1, lớn hơn dòng vốn chủ động là 5,3 tỷ USD chảy vào thị trường, khiến thị trường này bị rút ròng tháng đầu tiên kể từ tháng 9/2020 đến nay.
[Chứng khoán sáng 8/2: Nhiều nhóm cổ phiếu lớn giảm giá sâu]
SSI cho rằng, bên cạnh sự khó đoán định trong chính sách với Trung Quốc của Chính quyền Tổng thống Joe Biden, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, phản ứng các nhà đầu tư bị động có thể bị tác động bởi lo ngại sự chuyển hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) khi bất ngờ rút 12 tỷ USD khỏi thị trường ngày 26/1 thông qua các giao dịch trên thị trường mở, cùng với đó là các khoản cho vay trung hạn (MFL) đến hạn lớn hơn lượng cho vay mới.
Theo SSI, kỳ vọng hồi phục kinh tế đi kèm với lạm phát cao hơn đáng kể đang ảnh hưởng đến dòng chảy của vốn. Có 92% các nhà quản lý quỹ tham gia khảo sát tháng 1 của Bank of America Merrill Lynch cho rằng, lạm phát sẽ cao hơn trong 12 tháng tới. Giá hàng hóa, chi phí vận chuyển và lượng tiền mặt gia tăng khiến cho rủi ro lạm phát và bong bóng tài sản đang được nhắc đến nhiều hơn.
Dòng vốn chảy vào quỹ trái phiếu có bảo đảm lạm phát trong 8 tuần liên tiếp, các quỹ hàng hóa cũng có vốn vào cao kỷ lục, quỹ năng lượng có 12 tuần vào liên tiếp và ở mức cao nhất trong 11 tháng.
Có thể thấy, cổ phiếu hiện vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong các kênh đầu tư truyền thống nhờ kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế và lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ cải thiện; trong đó, cổ phiếu các thị trường mới nổi đang tỏ ra hấp dẫn hơn các thị trường phát triển, cổ phiếu giá trị ưa thích hơn cổ phiếu tăng trưởng.
Tuy nhiên, dòng vốn nhỏ lẻ chi phối nên độ biến động của thị trường sẽ cao hơn và sẽ rất nhạy cảm với các thông tin về triển khai vaccine; diễn biến lãi suất, cung tiền và lạm phát.
Về dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, SSI cho biết, tháng 1 có vốn vào mạnh nhất từ đầu 2020 đến nay nhờ dòng vốn ETF vẫn rất mạnh. Tính theo tuần, Việt Nam là thị trường cổ phiếu duy nhất tại khu vực châu Á có vốn vào liên tục trong 4 tuần gần đây.
Dòng vốn chủ động ra vào đan xen và tính chung vẫn rút ròng khoảng 23,5 triệu USD trong tháng 1. Tuy nhiên, lượng vốn lớn đổ vào các quỹ ETF đã giúp thị trường Việt Nam vẫn hút ròng hơn 100 triệu USD trong tháng vừa qua.
Các quỹ ETF hút ròng thêm khoảng 129 triệu USD (gần 3.000 tỷ đồng), tương đương 2/3 tổng giá trị của cả năm 2020, nhiều nhất là vào các quỹ VFM Diamond ETF (+1.310 tỷ đồng) và VFM VN30 ETF (+860 tỷ đồng)
Trong tuần cuối tháng 1, khi thị trường điều chỉnh mạnh, dòng vốn ETF có xu hướng chững lại nhưng dòng vốn chủ động lại có dấu hiệu khởi sắc khi chuyển sang dương sau 2 tuần rút trước đó.
Diễn biến khối ngoại trên sàn cũng khá tương đồng khi nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh trong 3 ngày cuối tháng, nếu loại trừ giao dịch bán cổ phiếu MSN của nhóm GIC, khối ngoại mua ròng khoảng 127 tỷ đồng trong tháng 1/2021.
SSI cho rằng, thị trường Việt Nam đang khá hấp dẫn nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế và là điểm đến của dịch chuyển sản xuất toàn cầu.
"Dù thông tin dịch bệnh là yếu tố chính khiến thị trường biến động giai đoạn này nhưng dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với mức độ biến động của thị trường sẽ ngày càng cao," SSI nhận định./.