ADB: Châu Á có thể được hưởng lợi từ giá dầu giảm mạnh

Theo ADB, do giá dầu và giá hàng hóa giảm nên lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế châu Á đang phát triển cũng sẽ giảm.
ADB: Châu Á có thể được hưởng lợi từ giá dầu giảm mạnh ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế khu vực, trong đó nhận định rằng triển vọng tăng trưởng cho các nền kinh tế châu Á đang phát triển vẫn vững chắc mặc dù đà tăng có chậm lại trong nửa cuối năm 2014, và giá dầu giảm xuống mức thấp là một cơ hội "vàng" cho nhiều cải cách có lợi.

ADB dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á sẽ tăng 6,1% năm 2014 và 6,2% năm 2015, giảm từ các mức dự báo tương ứng 6,2% và 6,4% được đưa ra trước đó hồi tháng 9/2014.

Các nền kinh tế châu Á đang phát triển bao gồm 45 thành viên đang phát triển của ADB đã tăng trưởng 6,1% năm 2013. Mức tăng trưởng dự báo cho các khu vực Trung Á, Đông Á và Đông Nam Á đã được điều chỉnh giảm, song vẫn giữ nguyên với Nam Á và tăng với khu vực Thái Bình Dương.

Nhà kinh tế trưởng của ADB, Shang-Jin Wei, nói rằng tăng trưởng trong ba quý đầu của năm nay của khu vực phần nào thấp hơn chờ đợi, song giá dầu giảm có thể dẫn đến sự gia tăng tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế nhập khẩu dầu.

Theo ADB, tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ giảm nhẹ so với dự báo 4,6% hồi tháng 9/2014 xuống 4,4% năm 2014, và giảm tương ứng từ 5,3% xuống 4,6% năm 2015.

Tại Indonesia, mặc dù tiêu dùng cá nhân vẫn mạnh mẽ như mong đợi, song sự phục hồi đầu tư sau các cuộc bầu cử đã diễn ra chậm hơn so với dự kiến, và sự phục hồi trên thị trường xuất khẩu còn chưa chắc chắn nên tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ đạt 5,1% năm 2014 và 5,6% năm 2015, giảm từ các mức dự báo tương ứng trước đó 5,3% và 5,8%.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 7,4% năm 2014 và 7,2% năm 2015, giảm từ các mức dự báo trước đó 7,5% và 7,4%. Còn tại Nam Á, kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 5,5% năm 2014 và 6,3% năm 2015, tăng trưởng sẽ mạnh hơn ở Bangladesh, Maldives, Sri Lanka, và ổn định tại Afghanistan và Bhutan.

Tại Trung Á, sự xuống dốc của kinh tế Nga sẽ ảnh hưởng đến Kazakhstan và nền kinh tế khu vực. Dòng kiều hối và nhu cầu bên ngoài giảm sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng của Armenia, Kyrgyzstan và Uzbekistan. Nhìn chung, mức tăng trưởng của khu vực Trung Á được điều chỉnh giảm từ 5,6% xuốg 5,1% năm 2014 và từ 5,9% xuống 5,4% năm 2015.

Các nền kinh tế Thái Bình Dương được dự đoán tăng trưởng 13,4% trong năm 2015, do sự bùng nổ của xuất khẩu ở Papua New Guinea khi nước này bước vào năm đầu tiên xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm 2014, cao hơn dự báo trước đó, chủ yếu nhờ sự cải thiện của các nền kinh tế Fiji, quần đảo Solomon và Palau.

Do giá dầu và giá hàng hóa giảm nên lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế châu Á đang phát triển cũng sẽ giảm. ADB dự báo tỷ lệ lạm phát của cả khu vực sẽ giảm từ mức dự báo trước đó 3,5% xuống 3,2% năm 2014 và từ 3,7% xuống 3,5% năm 2015.

ADB lưu ý giá dầu thế giới giảm là một cơ hội "vàng" cho các nhà nhập khẩu dầu lớn như Indonesia và Ấn Độ tiến hành cải cách các chương trình trợ cấp nhiên liệu tốn kém của họ, trong khi các nước xuất khẩu dầu có thể nắm bắt cơ hội để phát triển các ngành sản xuất khác của mình khi giá hàng hóa thấp có xu hướng làm cho tỷ giá hối đoái thực của họ cạnh tranh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục