ADB hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực châu Á đang phát triển

ADB đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực Đông Á từ 4,7% xuống 3,8%, trong khi khu vực Nam Á được cho là tăng trưởng 6,5% năm 2022 và 7,1% vào năm 2023, thay vì 7% và 7,4% theo dự báo trước.
ADB hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực châu Á đang phát triển ảnh 1Tàu chở hàng cập cảng tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á đang phát triển trong năm 2022 xuống còn 4,6%, thấp hơn so với mức 5,2% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.

Động thái này phản ánh tình hình kinh tế đang xấu đi do căng thẳng địa chính trị, sự siết chặt tiền tệ hơn nữa ở các nền kinh tế phát triển và những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong báo cáo kinh tế thường niên Triển vọng Phát triển châu Á 2022, ADB cũng hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2023 cho các nước đang phát triển ở châu Á xuống 5,2% từ mức 5,3%.

[Ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với địa kinh tế châu Á]

Xét cụ thể trên từng khu vực, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực Đông Á từ 4,7% xuống 3,8%, trong khi khu vực Nam Á được cho là tăng trưởng 6,5% năm 2022 và 7,1% vào năm 2023, thay vì 7% và 7,4% theo các dự báo trước đó.

Dự báo tăng trưởng trong năm 2022 của khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh từ mức 4,9% lên 5% do nhu cầu phục hồi khi các hạn chế đi lại từng được áp đặt trước đó để phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ và việc mở lại biên giới ở một số nền kinh tế trong khu vực.

Triển vọng tăng trưởng tại khu vực Caucasus và Trung Á được nâng từ mức 3,6% lên 3,8% cho năm 2022; và từ 4,0% lên 4,1% cho năm 2023. Trong khi đó, mức dự báo cho khu vực Thái Bình Dương được điều chỉnh từ 3,9% lên 4,7%.

Dự báo lạm phát cho các nước đang phát triển tại châu Á được điều chỉnh từ 3,7% lên 4,2% vào năm 2022 và từ 3,1% lên 3,5% vào năm 2023, do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Mặc dù vậy, ADB cho biết áp lực lạm phát trong khu vực này "ít hơn các nơi khác trên thế giới."

Theo ADB, việc nguồn cung gián đoạn và các lệnh trừng phạt leo thang áp đặt đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine đã khiến giá hàng hóa toàn cầu tăng đột biến, dẫn đến áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều nền kinh tế khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục