ADB: Việt Nam đứng thứ 63 nền kinh tế toàn cầu về khởi nghiệp

Khởi nghiệp kỹ thuật số đã giúp các nền kinh tế trụ vững trong đại dịch COVID-19 và có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thế giới sau đại dịch.
ADB: Việt Nam đứng thứ 63 nền kinh tế toàn cầu về khởi nghiệp ảnh 1Thanh toán kỹ thuật số trên điện thoại. (Ảnh: Vietnam+)

Trong Báo cáo cập nhật triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố mới đây, Singapore là quốc gia có môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp tốt nhất thế giới. Đứng sau Singapore là Hoa Kỳ và đứng thứ ba là Thụy Điển. Việt Nam xếp hạng thứ 63 trên tổng số 113 nền kinh tế toàn cầu có trong danh sách.

Tuy nhiên, cũng theo ADB, có 17 trong số 21 nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có trong danh sách đó lại xếp thứ hạng chót - điều này nhấn mạnh nhu cầu của nhiều quốc gia trong số đó cần phải khuyến khích khởi nghiệp kỹ thuật số.

[Việt Nam có thể xuất hiện "Kỳ lân" khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ]

Số hóa mang lại cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp ở châu Á và Thái Bình Dương. Đó là động lực đổi mới, là chìa khóa cho các nền kinh tế đang phấn đấu đạt được mức thu nhập cao. Số hóa cũng có thể giúp cho các nền kinh tế trở nên dễ thích ứng hơn, như chúng ta đã thấy khi công nghệ kỹ thuật số đã giúp nhiều doanh nghiệp sống sót sau đại dịch COVID-19 và có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện nhờ giảm được chi phí khởi nghiệp.

Ông Albert Park - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định: “Khởi nghiệp kỹ thuật số đã giúp các nền kinh tế trụ vững trong đại dịch COVID-19 và có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thế giới sau đại dịch. Để làm được điều đó, các quốc gia cần tạo lập một môi trường mang tính hỗ trợ thông qua các chính sách tạo điều kiện và các ưu đãi khuyến khích. Mặc dù môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số của châu Á đã đạt được những bước tiến đáng kể trong vài năm qua, vẫn còn rất nhiều điểm cần được cải thiện."

Chỉ số toàn cầu về hệ thống khởi nghiệp kỹ thuật số đo lường chất lượng của môi trường dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số bằng cách xem xét mức độ số hóa trên tám phương diện: văn hóa, thể chế, điều kiện thị trường, hạ tầng, vốn con người, tri thức, tài chính và mạng lưới.

Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số như mạng băng thông rộng, các chính phủ cần thúc đẩy ổn định chính trị, hệ thống luật pháp đáng tin cậy, thị trường mở và cạnh tranh cũng như quyền sở hữu mạnh mẽ.

Một phân tích của ADB cho thấy pháp quyền nghiêm có tác động tích cực đến sự đổi mới của doanh nghiệp, đồng thời ít tham nhũng hơn trong xã hội có mối tương quan với việc tăng số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp mới gia nhập thị trường.

Đối với toàn bộ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nền văn hóa thiếu tính hỗ trợ là một trong những điểm yếu lớn nhất khi đề cập đến khuyến khích khởi nghiệp kỹ thuật số. Một ví dụ là nói chung công chúng còn chưa đánh giá cao vai trò quan trọng mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng góp trong tiến trình phát triển kinh tế. Một cách để thay đổi điều này là nâng cao nhận thức của công chúng về khởi nghiệp thông qua giáo dục.

ADB: Việt Nam đứng thứ 63 nền kinh tế toàn cầu về khởi nghiệp ảnh 2Phát triển du lịch bền vững từ kết nối nghệ thuật với công nghệ số. (Ảnh: Vietnam+)

ADB cũng vừa phát hành báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam xem xét tiến triển của các công ty khởi nghiệp ở quốc gia Đông Nam Á này.

Theo đó, báo cáo của ADB cho rằng "Kỳ lân" khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam, khi nền móng để xây dựng một hệ sinh thái vững chắc có thể hỗ trợ những doanh nghiệp này đang được tiến hành thuận lợi.

Báo cáo của ADB cũng chỉ ra rằng mục tiêu dài hạn của Chính phủ Việt Nam đối với lĩnh vực này là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và tham gia tạo lập các công ty khởi nghiệp thành công.

Một ví dụ về sự hỗ trợ của chính phủ là Đề án 844, với mục tiêu phát triển 600 doanh nghiệp vào năm 2025 và 100 doanh nghiệp trong số đó sẽ gọi được vốn đầu tư với tổng giá trị ít nhất là 2 nghìn tỷ đồng (khoảng 85,44 triệu USD).

Năm 2021, năm lĩnh vực khởi nghiệp hàng đầu thu hút được nguồn vốn lớn nhất là công nghệ tài chính (fintech) chiếm tới (26,6%); thương mại điện tử chiếm 20,3%; công nghệ giáo dục (edtech) chiếm 17,2%; công nghệ y tế (healthtech) chiếm 7,8%; và phần mềm dịch vụ  chiếm 6,3%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục