Agribank và VAMC ký kết thỏa thuận hợp tác về xử lý nợ xấu

Agribank và VAMC sẽ phối hợp chặt chẽ rà soát, đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu, xây dựng lộ trình xử lý nợ cho từng năm, giai đoạn 2017- 2022, đưa ra các giải pháp phù hợp...
Agribank và VAMC ký kết thỏa thuận hợp tác về xử lý nợ xấu ảnh 1Lãnh đạo hai bên tham gia ký kết. (Nguồn: Agribank)

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác về việc xử lý nợ xấu.

Theo thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai bên, Agribank và VAMC sẽ phối hợp chặt chẽ rà soát, đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu; xây dựng lộ trình xử lý nợ cho từng năm, giai đoạn 2017- 2022; đưa ra các giải pháp phù hợp...

Việc hợp tác này dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tận dụng được lợi thế, kinh nghiệm và nguồn lực của các bên trong lĩnh vực hoạt động, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020 và Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2. Đồng thời, hai bên tạo điều kiện để tiếp cận và ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau đảm bảo hiệu quả tối ưu và phù hợp với nhu cầu thực tế.

[Sacombank hợp tác với VAMC xử lý và thu hồi 20.000 tỷ đồng nợ xấu]

Phát biểu chỉ đạo tại lễ ký, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh đánh giá cao sự phối hợp chủ động, tích cực và những kết quả bước đầu trong hoạt động xử lý nợ xấu mà Agribank và VAMC đã đạt được. Phó Thống đốc đề nghị Agribank và VAMC tiếp tục phối hợp tích cực, chặt chẽ, xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các nội dung của thỏa thuận hợp tác; thường xuyên trao đổi thông tin, đánh giá kết quả đạt được, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có thể đạt được các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, Agribank quán triệt nội dung chủ trương lớn của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sâu rộng đến từng chi nhánh Agribank; tập trung hoàn thiện, triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, trong đó chú trọng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ, đặc biệt là quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng và năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định, xử lý nợ; xây dựng và triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.

Thời gian tới, Agribank triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu; tăng cường phối hợp chặt chẽ với VAMC để rà soát, thực hiện hiệu quả việc xử lý nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC; phối hợp hiệu quả với VAMC thực hiện hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; hỗ trợ các khách hàng đang có nợ xấu thông qua các biện pháp: cơ cấu thời hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất, miễn giảm lãi theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Agribank sẽ rà soát, đánh giá lại các khoản nợ hiện tại đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phân loại nợ theo đúng quy định của pháp luật; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy mô, cơ cấu nguồn vốn và năng lực quản trị rủi ro.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh khẳng định việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu Agribank, đồng thời bày tỏ quyết tâm của toàn hệ thống Agribank phối hợp tích cực cùng VAMC xử lý dứt điểm nợ xấu trong thời gian tới, gắn xử lý nợ xấu với mục tiêu hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển nền kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục