Ai Cập: Bạo lực tăng, hàng trăm người thương vong

Theo Bộ Y tế Ai Cập, ít nhất 9 người, trong đó có 2 cảnh sát thiệt mạng và hơn 450 người bị thương trong các vụ đụng độ trên cả nước.
Sự kiện kỷ niệm hai năm ngày diễn ra làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã được đánh dấu bằng các cuộc tuần hành, biểu tình rầm rộ của phe đối lập cùng những vụ đụng độ bạo lực đường phố kéo dài tại nhiều tỉnh và thành phố của Ai Cập.

Ngày 25/1, người biểu tình bắt đầu đổ xuống các đường phố sau lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu theo lời kêu gọi của nhiều chính đảng và phong trào đối lập nhằm phản đối phong trào "Anh em Hồi giáo", đảng Tự do và Công lý (FJP) cầm quyền cũng như tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang.

Các cuộc biểu tình đã nhanh chóng biến thành bạo lực giữa những người ủng hộ "Anh em Hồi giáo" và phe đối lập.

Người biểu tình còn tấn công lực lượng an ninh bằng gạch đá, bom xăng, khiến lực lượng này phải bắn đạn hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông quá khích tập trung xung quanh trụ sở các cơ quan công quyền, các đồn cảnh sát, đài phát thanh và truyền hình quốc gia.

Bộ Y tế Ai Cập cho biết ít nhất 9 người, trong đó có 2 cảnh sát, đã thiệt mạng và hơn 450 người bị thương trong các vụ đụng độ trên cả nước.

[Ai Cập: Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình]


Tại thủ đô Cairo, hàng chục nghìn người đã đổ xuống đường, chiếm giữ nhiều tuyến đường quan trọng, trong đó có cả khu vực bên ngoài tòa nhà dinh tổng thống.

Người biểu tình còn đốt lốp xe và phong tỏa giao thông dẫn vào một cây cầu lớn, là tuyến đường quan trọng nối phía Tây và Đông thủ đô Cairo, cũng như phong tỏa một số ga tàu điện ngầm ở trung tâm thủ đô, làm tê liệt hoạt động giao thông công cộng được hàng triệu người sử dụng mỗi ngày.

Còn tại tỉnh Kafr al-Sheikh, người biểu tình đã bao vây trụ sở chính quyền, đòi người đứng đầu địa phương từ chức và trao lại quyền kiểm soát cho một ủy ban cách mạng. Trụ sở chính quyền tỉnh Suez và Gharbia cũng bị người biểu tình bao vây và phóng hỏa.

Trong khi đó, trụ sở của phong trào "Anh em Hồi giáo" tại hai thành phố Ismailia thuộc tỉnh cùng tên và Damanhour thuộc tỉnh Beheira đã bị những người biểu tình cướp phá và phóng hỏa. Cơ sở của tổ chức này tại trung tâm thủ đô Cairo cũng bị một nhóm người không rõ danh tính bao vây và lấy đi tất cả máy tính cùng các trang thiết bị kỹ thuật.

Tại tỉnh Beni Suef, người biểu tình đã phong tỏa các tuyến đường sắt khiến tất cả các chuyến tàu nối Cairo và tỉnh Aswan tê liệt hoàn toàn. Các vụ việc tương tự cũng được ghi nhận tại hai thành phố Mahalla và Kafr al-Zayat thuộc tỉnh Garbia, và tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập.

Tuy nhiên, phe đối lập vẫn tiếp tục lên kế hoạch biểu tình rầm rộ tại nhiều nơi trong ngày 26/1. Mặt trận Cứu quốc (NSF), phe đối lập chính tại Ai Cập, đã ra thông cáo báo chí yêu cầu chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi thành lập một chính phủ cứu quốc, hủy bỏ bản Hiến pháp vừa được thông qua hồi cuối tháng 12 vừa qua và Luật bầu cử mới, đồng thời tổ chức hòa giải dân tộc với phe đối lập mà không có điều kiện tiên quyết.

NSF khẳng định tất cả các đảng phái và phong trào thành viên của liên minh đối lập này sẽ không rời khỏi các đường phố khi các yêu cầu của mình chưa được đáp ứng.

Ngay sau khi xảy ra các cuộc đụng độ, thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Morsi đã phát đi yêu cầu công chúng bình tĩnh, kêu gọi người dân tôn trọng những giá trị của cuộc cách mạch, đưa ra quan điểm một cách tự do và hòa bình, tránh bạo lực.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng công tố Talaat Abdallah đã ra lệnh mở các cuộc điều tra về các hành vi bạo lực và phá hoại của những người biểu tình diễn ra trong ngày 25/1.

Người phát ngôn của cơ quan công tố Hassan Yassin cho biết tổng cộng 15 công tố viên sẽ tham gia các cuộc điều tra này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục