Ai Cập hoãn kế hoạch cắt giảm trợ cấp năng lượng

Ai Cập đã quyết định hoãn kế hoạch cắt giảm trợ cấp năng lượng do lo ngại việc cắt giảm này có thể gây bất ổn xã hội trong giai đoạn quan trọng về chính trị hiện nay.
Ai Cập hoãn kế hoạch cắt giảm trợ cấp năng lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, chính phủ lâm thời Ai Cập đã quyết định hoãn kế hoạch tăng giá xăng dầu và các sản phẩm dầu mỏ do lo ngại việc cắt giảm trợ cấp đối với loại hàng nhạy cảm này có thể gây bất ổn xã hội trong giai đoạn quan trọng về chính trị hiện nay.
Một nguồn tin cho biết dù bị hoãn song kế hoạch trên sẽ không bị hủy bỏ vì nó đảm bảo nhiên liệu được trợ giá đến đúng tay đối tượng và tạo nguồn quỹ để giải quyết các vấn đề xã hội.
Việc tăng giá này nằm trong kế hoạch tổng thể nhằm hợp lý hóa các khoản trợ cấp của nhà nước, trong đó có xăng dầu và bánh mỳ, đồng thời giảm thâm hụt ngân sách đang ngày càng tăng cao.
Theo kế hoạch, việc tăng giá xăng dầu phải được thực hiện trước thời điểm tân Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi nhậm chức.
Tuy nhiên, động thái này giờ đây bị hoãn lại theo đề nghị của các cơ quan an ninh với lý do các nhóm khủng bố có thể lợi dụng nhằm tung tin đồn gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của chính quyền.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, một số nguồn tin cho biết nội các của Thủ tướng lâm thời Ibrahim Mahlab đang xem xét việc tăng giá 1 bảng (0,14 USD) mỗi lít đối với 3 sản phẩm xăng dầu đang được sử dụng rộng rãi hiện nay gồm xăng A92, A80 và dầu diesel.
Động thái này nằm trong mục tiêu giảm ngân sách trợ cấp năng lượng, vốn dự kiến vượt 130 tỷ bảng Ai Cập (18,5 tỷ USD) vào cuối năm tài chính (kết thúc vào ngày 30/6 tới), xuống còn 100 tỷ bảng (14,3 tỷ USD).
Giá xăng dầu tại Ai Cập đã không thay đổi kể từ năm 2006. Trước đó, trong tài khóa 2012/13, Chính phủ Ai Cập cũng đặt mục tiêu giảm 20 tỷ bảng (2,8 tỷ USD) trợ cấp năng lượng song cuối cùng buộc phải trì hoãn các bước triển khai chương trình cải cách hệ thống trợ cấp do lo ngại bất ổn xã hội.
Ai Cập là một trong những quốc gia có mức giá năng lượng thấp nhất trên thế giới. Trong đó, ước tính trợ cấp nhiên liệu chiếm tới 22% ngân sách hàng năm, cao gấp 7 lần so với ngân sách dành cho y tế và gấp 3 lần ngân sách dành cho giáo dục.
Theo tính toán, người giàu Ai Cập đang được hưởng tới 80% ngân sách trợ cấp năng lượng và thị trường chợ đen mỗi năm thu lợi tới 4,3 tỷ USD nhờ buôn lậu các sản phẩm xăng dầu được nhà nước trợ giá./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục