Ai Cập huy động cảnh sát bảo vệ các trường đại học

Ai Cập sẽ triển khai cảnh sát bảo vệ các trường đại học sau hàng loạt vụ đụng độ giữa các sinh viên ủng hộ và phản đối ông Morsi.
Ai Cập huy động cảnh sát bảo vệ các trường đại học ảnh 1Chuyển một sinh viên bị thương trong vụ xung đột với lực lượng an ninh bên ngoài trường Đại học Al-Azhar ở Cairo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính quyền Ai Cập sẽ triển khai cảnh sát tới bảo vệ các trường đại học trên toàn quốc sau hàng loạt vụ đụng độ bạo lực giữa các sinh viên ủng hộ và phản đối Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi trong hơn một tuần qua.

Nhật báo Al Ahram do nhà nước quản lý dẫn lời Hiệu trưởng trường Đại học Ain Shams ở Cairo cho biết Bộ Nội vụ và Hội đồng tối cao các trường đại học (SCU) sẽ ký kết một thỏa thuận nhằm siết chặt an ninh tại các trường đại học trên cả nước.

Dự kiến, Tổng Thư ký SCU và Bộ trưởng phụ trách Giáo dục đại học của Ai Cập sẽ ký kết thỏa thuận trên trong ngày 31/10.

Hiện chưa rõ thỏa thuận này có cho phép triển khai cảnh sát trong khuôn viên các trường đại học hay không.

Trong diễn biến liên quan, ngày 30/10, Hiệu trưởng trường Đại học Al-Azhar - một cơ sở thuộc nhà thờ Al-Azhar có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập - đã đề nghị lực lượng cảnh sát chống bạo động có mặt tại trường này, song không được sử dụng súng trong khuôn viên trường, trong bối cảnh các cuộc biểu tình và đụng độ tại địa điểm này đã bước sang tuần thứ hai và có dấu hiệu ngày một leo thang.

Ít nhất 25 người đã bị bắt giữ sau khi hàng trăm sinh viên xông vào trường đại học Al-Azhar, hủy hoại máy tính, tài liệu, các tài sản khác và đụng độ với cảnh sát.

Cũng trong ngày 30/10, hàng chục sinh viên đã bị thương tại các trường đại học ở Alexandria - thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm trên bờ Địa Trung Hải - và tỉnh Mansoura thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile trong các cuộc đụng độ giữa các sinh viên đối địch.

Tại trường Đại học Alexandria, các sinh viên đã dùng gạch đá tấn công lẫn nhau sau khi một nhóm người ủng hộ ông Morsi tổ chức tuần hành ngay trong khuôn viên của trường và hô khẩu hiệu phản đối quân đội - lực lượng đã ra lệnh phế truất nhà lãnh đạo Hồi giáo này vào ngày 3/7 vừa qua sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30/6.

Lực lượng cảnh sát và quân đội đã được triển khai xung quanh trường nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ lan ra ngoài khuôn viên trường.

Kể từ ngày khai giảng, các trường đại học ở Ai Cập đã chứng kiến hàng loạt cuộc đụng độ bạo lực giữa các sinh viên ủng hộ và phản đối Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi, khiến hàng trăm sinh viên bị thương, bị bắt giữ và bị đình chỉ học.

Người đứng đầu Cơ quan Cấp cứu Ai Cập Ahmed Al-Ansary xác nhận có ít nhất 26 sinh viên bị thương, trong đó 16 người phải nhập viện, trong các cuộc đụng độ tại nhiều trường đại học trên cả nước.

Bộ Nội vụ Ai Cập ngày 30/10 cho biết chính quyền nước này đã bắt giam ông Essam El-Erian, Phó Chủ tịch Đảng Tự do và Công lý - nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) - tại một dinh thự ở quận New Cairo.

Hiện ông Erian đang bị tạm giam 30 ngày và phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc kích động sát hại người biểu tình. Dự kiến, ông Erian sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 4/11 tới cùng ông Morsi và 12 thủ lĩnh cấp cao khác của MB, với tội danh kích động, tra tấn và sát hại người biểu tình.

Trong một diễn biến liên quan, lực lượng an ninh tỉnh Giza cho biết đã bắt giam chín thành viên của MB, với cáo buộc âm mưu thực hiện các vụ tấn công nhằm vào cảnh sát, quân đội và trụ sở các cơ quan chính phủ trong phiên tòa xét xử ông Morsi sắp tới. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy ông Erian đã tiếp xúc và chỉ đạo chín nghi phạm này.

Kể từ ngày 3/7, hàng loạt thủ lĩnh tối cao và khoảng 3.000 thành viên của MB đã bị bắt giữ trong chiến dịch trấn áp của chính quyền lâm thời đối với phong trào Hồi giáo này.

Chính phủ Ai Cập cho biết họ sẵn sàng hòa giải, song cáo buộc MB đang phá hoại các nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay ở nước này.

Phó Thủ tướng Ai Cập Ziad Bahaa El-Din ngày 30/10 nêu rõ: "Chính phủ nhận thức được tầm quan trọng của sự hòa giải. Những người hiện đang từ chối hoặc trì hoãn mọi thỏa thuận hướng tới hòa giải và ổn định cho người dân Ai Cập là giới lãnh đạo của MB... Chính MB cần quyết định họ muốn ở lại nền chính trị và xã hội Ai Cập hay sẽ tiếp tục các hành động quấy rầy xã hội (ý nói các cuộc biểu tình do MB và những người ủng hộ tiến hành)."

Hiện chưa có bình luận nào từ phía giới chức MB, vốn đa số đang bị cầm tù hoặc lẩn trốn. Tổ chức này cáo buộc quân đội Ai Cập tiến hành đảo chính phế truất Tổng thống Mohamed Morsi và phá hoại nền dân chủ có được sau khi cựu độc tài Hosni Mubarak bị lật đổ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục