Ai Cập nối lại việc nhập khẩu thịt Brazil sau bê bối thịt bẩn

Bộ Nông nghiệp Ai Cập nêu rõ nước này đã nối lại việc nhập khẩu thịt Brazil, chỉ 2 ngày sau khi Cairo tuyên bố tạm ngừng việc nhập khẩu cho đến xác nhận độ an toàn của chất lượng thịt.
Ai Cập nối lại việc nhập khẩu thịt Brazil sau bê bối thịt bẩn ảnh 1Dây chuyền chế biến thịt ở Lapa, bang Parana, Brazil ngày 21/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh vụ bê bối thịt bẩn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thịt của Brazil, Ai Cập đã có một quyết định tích cực khi thông báo nối lại nhập khẩu thịt của quốc gia Nam Mỹ này.

Thông báo ngày 25/3 của Bộ Nông nghiệp Ai Cập nêu rõ nước này đã nối lại việc nhập khẩu thịt Brazil, chỉ 2 ngày sau khi Cairo tuyên bố tạm ngừng việc nhập khẩu cho đến xác nhận độ an toàn của chất lượng thịt.

Bộ trên nêu rõ Ai Cập đã nối lại việc nhập khẩu từ các cơ sở chế biến và xuất khẩu thịt được cơ quan chức năng Brazil cấp phép. Bộ cũng đồng thời nhấn mạnh các lô hàng sẽ được kiểm tra tại cả Brazil và Ai Cập.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng thống Brazil Michel Temer khẳng định các sản phẩm thịt của Brazil là "tốt nhất thế giới." Ông nêu rõ thịt của Brazil không hề kém chất lượng.

Brazil đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các sản phẩm thịt sau vụ bê bối liên quan đến một số công ty sản xuất thịt bị cáo buộc pha tạp chất vào các sản phẩm quá hạn và hối lộ các quan chức thanh tra để được thông qua quy trình kiểm duyệt, cấp phép sản phẩm.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Brazil Senacom ngày 24/3 đã yêu cầu 3 nhà máy do các công ty sản xuất và chế biến thịt hộp gồm Souza Ramos, Transmeat và Peccin điều hành tại bang Parana, miền Nam Brazil, phải thu hồi toàn bộ sản phẩm có liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn.

Cơ quan này cũng kêu gọi các công ty, trong đó có các hãng sản xuất thịt khổng lồ như JBS và BRF phải báo cáo về cách thức pha tạp chất đối với các sản phẩm thịt, bao gồm việc bơm nước vào thịt bò và gia cầm nhằm làm tăng trọng lượng.

Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil bị phát giác khi ngày 18/3, cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng được đưa ra thị trường tiêu thụ, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất gây ung thư để làm sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm.

Cho tới thời điểm này, 22 thị trường trong tổng số 150 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu thịt của Brazil đã ngừng mua thịt của nước này.

Ước tính các nhà xuất khẩu thịt lợn và thịt gà Brazil đã mất tới 40 triệu USD lợi nhuận kể từ khi vụ bê bối nổ ra.

Chính phủ Brazil thừa nhận vụ bê bối thịt bẩn có thể gây thiệt hại 1,5 tỷ USD, tương đương 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành này.

Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số một thế giới và đứng thứ tư về xuất khẩu thịt lợn.

Vụ bê bối xảy ra đúng lúc giới chức nước này đang nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết một hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Brazil là thành viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục