Amcham: Kiến nghị tháo gỡ bất cập pháp lý trong đầu tư, mở rộng sản xuất

Amcham kiến nghị các cấp quản lý sớm triển khai Nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ các bất cập pháp lý trong đầu tư và đặc biệt các vướng mắc trong triển khai thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Amcham: Kiến nghị tháo gỡ bất cập pháp lý trong đầu tư, mở rộng sản xuất

Các cấp quản lý cần sớm có các hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Kiến nghị trên được Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham Việt Nam) đưa ra tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp,” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 29/2.

Theo đại diện của Amcham, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đến nay, giá trị thương mại Việt-Mỹ đã tăng gần 300 lần và đạt 123 tỷ USD. Hiện, Mỹ đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp Mỹ đang đóng góp vai trò rất quan trọng.

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khó khăn sau đại dịch COVID-19 và tình hình bất ổn trên thế giới, Chính phủ đã chủ động đưa ra các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 đạt mức 5,05% và cao hơn nhiều nước trên thế giới.

Theo đó, đại diện của Amcham đánh giá rất cao việc Chính phủ tiếp tục quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2024. Cụ thể là, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% đồng thời chỉ đạo ngân hàng hạ lãi suất cho vay và mới đây nhất là Nghị quyết 02/NQ-CP.

Nội dung tại Nghị quyết đã chỉ đạo rõ việc tháo gỡ các bất cập pháp lý trong đầu tư, tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và nhiều giải pháp cụ thể khác.

Đại diện của Amcham nhấn mạnh các chỉ đạo tại Nghị quyết 02 về tháo gỡ các vướng mắc thực hiện EPR là rất cụ thể. Nội dung nêu rõ doanh nghiệp được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nộp đóng góp tái chế trên cơ sở quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm và thời hạn nộp đến hết quý 1 của năm tiếp theo. Ngoài ra, các cấp nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi đối với bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.

Tuy nhiên, đại diện của Amcham cho rằng đến thời điểm này chưa thấy thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện được các chỉ đạo này tại Nghị quyết 02.

Do đó, Amcham đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có các hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ các vướng mắc về EPR cho các doanh nghiệp, đúng như tinh thần quyết liệt của Chính phủ.

“Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 02 nhằm đảm bảo các chỉ đạo được thực hiện. Bên cạnh đó, Amcham cũng sẽ theo dõi kết quả thực hiện Nghị quyết để có các khuyến nghị với Chính phủ và hỗ trợ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư,” vị đại diện này cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục