Vinatex khánh thành Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang

Việc hình thành Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang là bước đi thay đổi về chất trong công tác xây dựng đội ngũ phát triển thị trường xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng của Vinatex

Vinatex khánh thành Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang (Vinatex PD&B), tại địa chỉ 524 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Vinatex khánh thành Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang (Vinatex PD&B), tại địa chỉ 524 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tập đoàn Dệt may Việt Nam vừa tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang Vinatex (Vinatex PD&B), tại địa chỉ 524 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ông Vương Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Vinatex PD&B cho biết xuất phát từ chiến lược của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, định hướng từ nay đến 2030 trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói giải pháp thời trang Xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực.

Trong đó, mục tiêu trung hạn trở thành một điểm đến trọn gói cho sản phẩm dệt kim phổ thông, Trung tâm Vinatex PD&B ra đời chính là điều kiện đủ để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trở thành “một điểm đến” cũng như hình thành chuỗi liên kết dệt kim vững mạnh, tận dụng và phát huy lợi thế sẵn có về quy mô, uy tín của Tập đoàn, với năng lực đủ kết nối, hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ kéo sợi, dệt nhuộm, hoàn tất và cắt may, khác biệt với số đông còn lại các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực dệt may cả nước, chủ yếu là các doanh nghiệp thuần may…

Nhấn mạnh bài học từ sau đại dịch COVID-19 cũng như hai năm vừa qua, khi nhu cầu dệt may thế giới suy giảm gần 30% so với trước dịch, theo ông Vương Đức Anh, mô hình kinh doanh ngành dệt may thế giới đã có nhiều thay đổi, người mua hàng có xu hướng tìm đến nhà cung cấp có khả năng cung cấp “giá trị gia tăng,” có chuỗi liên kết, dịch vụ trọn gói đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, hướng đến là đối tác (collaborative partner) thay vì chỉ là nhà máy gia công đơn thuần. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất phải thay đổi về chất, xây dựng đội ngũ và hệ thống vận hành đáp ứng được các yêu cầu mới của khách hàng.

“Chúng tôi mong muốn việc hình thành Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang là bước đi thay đổi về chất trong công tác xây dựng đội ngũ phát triển thị trường, phát triển sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng của Vinatex,” Giám đốc Trung tâm Vinatex PD&B-Vương Đức Anh nói.

Trung tâm Vinatex PD&B được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, theo xu hướng xanh, bền vững, nằm trong chiến lược thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net zero) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Đến với Trung tâm Vinatex PD&B, khách hàng được cung ứng trọn gói giải pháp phát triển sản phẩm.

Với mục tiêu này, ông Vương Đức Anh thông tin thêm, xác định yếu tố then chốt, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Trung tâm là xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa Trung tâm với hệ thống các nhà máy tại các đơn vị thành viên. Mối liên kết cần được chuẩn hóa bằng ngôn ngữ chung, bám theo chuẩn quốc tế, đảm bảo liên thông và phản hồi nhanh chóng và đây cũng là chuẩn để Trung tâm giao tiếp với khách hàng.

“Chúng tôi kết hợp đội ngũ nhân sự kinh nghiệm với nhân sự trẻ sáng tạo để thúc đẩy Trung tâm hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Sử dụng nguồn lực chung phát triển song song cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, dựa trên hệ thống cửa hàng phân phối bán lẻ hiện có và mở rộng các kênh bán hàng mới, xây dựng được thương hiệu riêng của Vinatex,” ông Vương Đức Anh cho hay.

Vinatex2.jpg
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phát biểu tại lễ khánh thành Vinatex PD&B. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía lãnh đạo Tập đoàn, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex khẳng định việc thành lập Trung tâm PD&B thực sự là quá trình bước ra khỏi “vùng an toàn của mình," bởi trong 30 năm hình thành và phát triển, Vinatex đi từ chỗ quản lý mang màu sắc hành chính (thay thế cho Bộ Công nghiệp nhẹ ở thời đó), sang đến quản lý sản xuất-kinh doanh thông thường.

"Ngày hôm nay, lần đầu tiên Tập đoàn quyết định bước ra “vùng an toàn” của mình là “chỉ đạo, là nêu ý kiến là hướng dẫn các doanh nghiệp làm ODM (từ thiết kế gốc phát triển thành sản phẩm), làm thiết kế và đổi mới sáng tạo bằng cách chứng minh rằng không phải chỉ được biết về mặt lý thuyết, không phải chỉ hiểu biết bằng nhận định, bằng báo cáo mà tập đoàn cũng dám đương đầu với thách thức, cũng dám bước ra khỏi “vùng an toàn” để tổ chức làm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo của riêng mình,” ông Lê Tiến Trường nói.

Cho rằng với các doanh nghiệp khác "lúc hơi khó khăn có thể lùi lại không nghiên cứu phát triển nữa, không đổi mới sáng tạo, quay về con đường cũ," nhưng với PD&B theo ông Lê Tiến Trường tập thể lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của PD&B "không có đường lùi, hiệu quả của đơn vị được đánh giá bằng lượng khách hàng, bằng lượng mẫu mã."

“Hội đồng quản trị Vinatex cam kết ủng hộ về mặt chủ trương, khẳng định mô hình nghiên cứu phát triển PD&B, đồng thời hỗ trợ PD&B trong quan hệ quốc tế, trong việc liên kết các doanh nghiệp ngoài tập đoàn cũng như các chủ trương nghiên cứu và định hướng phát triển cho một Trung tâm nghiên cứu phát triển đầu tiên của tập đoàn sau 30 năm phát triển”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục