Ấn Độ cân nhắc nới lỏng quy định về FDI từ các nước láng giềng

Các quốc gia có chung đường biên giới với Ấn Độ, bao gồm cả Trung Quốc, có thể đầu tư trực tiếp vào một số lĩnh vực ở Ấn Độ mà không chịu sự giám sát của chính phủ, với mức vốn đầu tư tối đa là 26%.
Ấn Độ cân nhắc nới lỏng quy định về FDI từ các nước láng giềng ảnh 1(Nguồn: indiatimes.com)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ đang xem xét nới lỏng các quy định về Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia láng giềng.

Trang mạng Economic Times ngày 17/11 đưa tin các quốc gia có chung đường biên giới với Ấn Độ, bao gồm cả Trung Quốc, có thể đầu tư trực tiếp vào một số lĩnh vực ở Ấn Độ mà không chịu sự giám sát của chính phủ, với mức vốn đầu tư tối đa là 26%.

Một hội đồng gồm các quan chức cấp cao của chính phủ đang thảo luận về các phương án khác nhau, tiến tới sớm ban hành quyết định nới lỏng các quy định về FDI.

Trước đó, hồi tháng 4, New Delhi đã tăng cường giám sát nguồn vốn đầu tư FDI vào nước này từ những công ty có trụ sở ở các quốc gia láng giềng.

[Ấn Độ tung gói kích thích kinh tế mới hơn 35 tỷ USD]

Động thái này được cho là nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Trung Quốc, thôn tính công ty Ấn Độ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Theo quy định khi đó, các khoản đầu tư FDI từ các quốc gia láng giềng vào Ấn Độ sẽ phải được chính phủ đánh giá và chấp thuận, thay vì được tự động triển khai.

Việc Ấn Độ xem xét nới lỏng các quy định về FDI diễn ra sau khi Bộ Công Thương Ấn Độ mới đây cho hay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại nước này trong 5 tháng đầu của tài khóa 2020-2021 (tháng 4-8/2020) đạt 27,1 tỷ USD, tăng 16% so với mức 23,35 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Có được kết quả này là nhờ những nỗ lực nhiều năm qua của Chính phủ Ấn Độ áp dụng chính sách FDI thân thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tháo gỡ các nút thắt chính sách đang cản trở dòng vốn đầu tư vào Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục