Ấn Độ có thể gia hạn quy định tích trữ hàng hóa thiết yếu

Chính phủ Ấn Độ đang xem xét gia hạn quy định về mức giới hạn tích trữ đối với một số mặt hàng thiết yếu như thóc gạo thêm một năm trong bối cảnh quy định này sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/11/2013. 
Ấn Độ có thể gia hạn quy định tích trữ hàng hóa thiết yếu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: blogs.ft.com)

Chính phủ Ấn Độ có thể gia hạn quy định về mức giới hạn tích trữ đối với một số mặt hàng thiết yếu như thóc gạo thêm một năm trong bối cảnh quy định này, được áp dụng theo Luật Hàng hoá Thiết yếu, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/11/2013.

Theo tờ The Hindu Business Line, nội các Ấn Độ sẽ xem xét đề xuất này trong ngày 28/11. Mục đích của Chính phủ khi gia hạn quy định này là để kiềm chế tình trạng giá lương thực tăng trong bối cảnh chỉ riêng trong tháng 10/2013, giá lương thực ở Ấn Độ đã tăng 18%.

Mặt khác, nội các Ấn Độ có thể sẽ xem xét việc miễn giấy phép xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nằm ngoài giới hạn tích trữ. Tuy nhiên, do hoạt động trao đổi hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của các bang nên đề xuất này cần phải nhận được ý kiến phản hồi từ các địa phương này.

Luật Hàng hóa Thiết yếu của Ấn Độ được ban hành năm 1955 đề cập tới các lệnh kiểm soát của chính quyền trung ương nhằm cho phép các bang ngăn chặn hành vi tích trữ hàng hóa thiết yếu thông qua việc quy định về giới hạn tích trữ hàng hóa thiết yếu và các yêu cầu cấp phép cho các doanh nghiệp thương mại tư nhân.

Dựa trên các lệnh này, mỗi bang đưa ra mức giới hạn tích trữ hàng hóa riêng.

Bất kỳ doanh nghiệp nào có lượng hàng hóa tích trữ vượt giới hạn quy định có thể đối mặt với các biện pháp xử lý của chính quyền địa phương như tịch thu hàng hoá và xử phạt.

Hiện nay, cơ chế này đang được áp dụng cho gạo, thóc, dầu ăn, hạt có dầu và đường./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục