Ấn Độ tăng cường an ninh sau các cuộc biểu tình và đình công trên toàn quốc

Bộ Nội vụ Ấn Độ yêu cầu lực lượng cảnh sát gửi báo cáo 2 giờ một lần giữa lúc các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc, sau vụ cưỡng hiếp và giết hại nữ bác sỹ thực tập tại một bệnh viện ở Kolkata.

Các bác sỹ và nhân viên y tế biểu tình ở New Delhi (Ấn Độ) hôm 16/8. (Nguồn: AP)
Các bác sỹ và nhân viên y tế biểu tình ở New Delhi (Ấn Độ) hôm 16/8. (Nguồn: AP)

Giữa lúc các cuộc biểu tình và phẫn nộ trên toàn quốc về vụ cưỡng hiếp và giết hại một nữ bác sỹ thực tập tại một bệnh viện ở Kolkata trong giờ làm việc, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ban hành lệnh yêu cầu tất cả các tiểu bang nộp báo cáo về tình hình luật pháp và trật tự sau mỗi hai giờ.

Bộ Nội vụ nước này đã chỉ đạo tất cả lực lượng cảnh sát tiểu bang trong cả nước gửi báo cáo 2 giờ một lần qua thư, fax hoặc thậm chí là WhatsApp.

Một quan chức cho biết thêm: "Điều này sẽ đảm bảo các báo cáo liên quan đến các vấn đề quan trọng được gửi đến kịp thời. Trong những vụ việc quan trọng như vậy, cần phải hành động nhanh chóng."

Trước đó, vụ cưỡng bức và sát hại một nữ bác sỹ thực tập 31 tuổi tại một trường y ở thành phố Kolkata hồi đầu tháng đã trở thành chất xúc tác cho các cuộc đình công.

Các bác sỹ tại Ấn Độ đã tổ chức cuộc đình công kéo dài 24 giờ trên toàn quốc vào ngày 17/8 để phản đối vụ cưỡng bức và sát hại, cuộc đình công này đã gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với các dịch vụ y tế trên khắp Ấn Độ.

Ước tính, hơn 1 triệu bác sỹ tham gia đình công, khiến hầu hết các bệnh viện và phòng khám phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân, ngoại trừ các trường hợp cấp cứu.

Nhiều cơ sở y tế đã phải huy động nhân viên giảng dạy từ các trường y để xử lý các ca khẩn cấp.

Cuộc đình công này là một trong những đợt đóng cửa dịch vụ y tế lớn nhất ở Ấn Độ trong thời gian gần đây, với sự tham gia của các bệnh viện và phòng khám ở nhiều thành phố lớn như Lucknow, Ahmedabad, Guwahati và Chennai.

Chính phủ Ấn Độ đã kêu gọi các bác sỹ trở lại làm việc vì lợi ích công cộng và hứa sẽ thành lập một ủy ban để đề xuất các biện pháp cải thiện bảo vệ cho nhân viên y tế.

Mặc dù chính phủ Ấn Độ đã đưa ra những thay đổi đối với hệ thống tư pháp hình sự sau vụ cưỡng bức tập thể ở Delhi năm 2012, các nhà vận động cho rằng những thay đổi này vẫn chưa đủ để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ tại quốc gia Nam Á này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục