An Giang đặt mục tiêu thu hút 5 dự án FDI với tổng vốn 50 triệu USD

Năm 2021, An Giang kỳ vọng sẽ mời gọi thành công và cấp chấp thuận chủ trương đầu tư cho ít nhất 5 dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, diện tích sử dụng đất trên 200ha mỗi dự án.
An Giang đặt mục tiêu thu hút 5 dự án FDI với tổng vốn 50 triệu USD ảnh 1Một góc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Tỉnh An Giang đặt mục tiêu hết năm 2021 thu hút tối thiểu 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn trên 50 triệu USD; thu hút trên 60 dự án đầu tư lớn nhỏ từ các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư tối thiểu 15.000 tỷ đồng và triển khai, đưa vào hoạt động ít nhất 50% trên tổng số dự án được cấp phép.

Xác định nông nghiệp là nền tảng kinh tế, dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển, tỉnh An Giang xác định thu hút đầu tư phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế và chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách.

Năm 2021, An Giang kỳ vọng sẽ mời gọi thành công và cấp chấp thuận chủ trương đầu tư cho ít nhất 5 dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, diện tích sử dụng đất trên 200ha cho mỗi dự án, tổng diện tích sử dụng đất trên 1.000ha, vốn đầu tư vào lĩnh vực này tối thiểu đạt 2.000 tỷ đồng và giải ngân trên 50%.

Tỉnh cũng kỳ vọng mời gọi thành công và cấp chấp thuận chủ trương đầu tư tối thiểu 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng, thương mại và dịch vụ với tổng vốn đầu tư vào các lĩnh vực này tối thiểu đạt 3.000 tỷ đồng và giải ngân trên 50%.

Để thực hiện mục tiêu này, An Giang sẽ thực hiện ít nhất 3 hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Israel, Thái Lan, Singapore... nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có thế mạnh trong các lĩnh vực khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản, đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, logistics, hạ tầng khu cụm công nghiệp...

Ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết tỉnh sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

An Giang xác định thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, đảm bảo trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như điều kiện thực tế của địa phương; bảo vệ tài nguyên, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là khu vực biên giới.

Theo ông Phước, thời gian tới, tỉnh tập trung thu hút vào lĩnh vực có thế mạnh, còn nhiều dư địa để phát triển như: hạ tầng khu, cụm công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất giống thủy sản và cây giống, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, cơ khí; phát huy lợi thế trong phát triển du lịch đặc sắc và đa dạng trên địa bàn tỉnh như du lịch sinh thái, tâm linh.

[Tổng vốn các dự án FDI trong 3 tháng tăng 18,5% so với cùng kỳ 2020]

Năm 2020, An Giang thu hút được 49 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 9.900 tỷ đồng; trong đó có 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 48 dự án đầu tư trong nước.

Để thu hút nhà đầu tư, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết tỉnh sẽ chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, quy hoạch và tạo vùng nguyên liệu để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến đầu tư, kinh doanh.

Tỉnh sẽ phát huy và tận dụng lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long để tranh thủ cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực đầu tư từ Trung ương; đặc biệt là các dự án có tính chất liên kết vùng, kết nối cao, chia sẽ tài nguyên giữa các địa phương để từng bước thu hẹp khoản cách về địa lý, xóa bỏ rào cản về không gian nhằm thu hút nhiều thành phần kinh tế vào lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định An Giang sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; phân công đơn vị trực tiếp vận hành phần mềm về xúc tiến đầu tư tỉnh, đảm bảo khả năng tương tác trên điện thoại di động, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, dễ truy cập, tìm hiểu, tư vấn và quảng bá.

Hiện An Giang đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện trang thông tin điện tử của tỉnh về xúc tiến đầu tư, pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, môi trường, cơ hội đầu tư... cùng nhiều thông tin cơ bản và chi tiết về các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục