Đề án một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ giúp An Giang hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và kết hợp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang Trần Thanh Hiệp nêu ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (viết tắt là Đề án)” tại tỉnh An Giang.
Hội nghị do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang tổ chức sáng ngày 21/6 thu hút sự tham gia của đại diện Viện lúa IRRI; các sở, ngành; các doanh nghiệp sản xuất, liên kết, tiêu thụ lúa gạo; các hợp tác xã và nông dân sản xuất lúa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trần Thanh Hiệp, hiện trong 3,9 triệu ha lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1 triệu ha tham gia Đề án đến năm 2030. Sau đó Đề án sẽ được tổng kết và tiếp tục nhân rộng.
Ngoài mục tiêu quan trọng là tăng năng suất, chất lượng lúa, Đề án còn giúp giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, hướng đến bền vững. Từ đó, góp phần đồng hành với cam kết của Thủ tướng Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng không đến năm 2050.
“Đối với tỉnh An Giang, việc tham gia Đề án, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Đề án cũng giúp tỉnh hình thành và phát triển ổn định các hợp tác xã, tổ hợp tác, đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo trên địa bàn; tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm thực hiện,” ông Hiệp cho biết.
Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước để canh tác lúa, An Giang hiện là một trong 2 địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng lúa với hơn 4 triệu tấn lúa/năm, chỉ sau tỉnh Kiên Giang.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều nông dân giỏi, với trên 220 hợp tác xã, gần 1.000 tổ hợp tác và hơn 30 doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa.
An Giang kỳ vọng Đề án sẽ giúp tỉnh xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo tại tỉnh An Giang.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, An Giang có vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt diện tích canh tác 44.051ha; lượng phân bón hóa học giảm 20%; lượng nước tưới so với canh tác truyền thống giảm 20%.
Về tổ chức sản xuất, đến năm 2025, An Giang có 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Toàn tỉnh có trên 35.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; 70% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Đến năm 2030, An Giang sẽ phát triển diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 152.198ha. Trong số đó, lượng phân bón hoá học giảm 30%; lượng nước tưới so với canh tác truyền thống giảm 20%.
Đến năm 2030, An Giang có 200, hợp tác xã, tổ chức nông dân, liên hiệp hợp tác xã tham gia.
Trong đó, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao An Giang sẽ có tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. Riêng về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.
Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cho biết tỉnh sẽ tập trung quy hoạch và tổ chức lại sản xuất.
Trong số đó, tỉnh xác định quy mô vùng sản xuất lúa tập trung, nằm trong vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất ít nhất 2 vụ lúa/năm hoặc có thể sản xuất 2 vụ lúa có xen canh hoặc luân canh rau màu, thủy sản đảm bảo tiêu chí xây dựng vùng lúa chất lượng cao.
Theo ông Lâm, thời gian tới An Giang sẽ đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kết nối giao thông nội đồng và hệ thống giao thông liên vùng trong tỉnh; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thủy lợi tưới, tiêu nội đồng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng tập trung tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, kiểm tra) và có diện tích đủ điều kiện tham gia chi trả tín chỉ carbon./.
Đồng Tháp: Tạo vùng chuyên canh 161.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đưa diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2030 là 161.000ha; trong đó, diện tích thực hiện năm 2024 là 20.000ha.