An ninh phi truyền thống đang là thách thức đặt ra đối với toàn thế giới, trong đó có nước ta. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh, trên phạm vi rộng của các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Biểu hiện rõ ràng nhất của an ninh phi truyền thống trong thời gian vừa qua là những hậu quả của "đại dịch COVID-19."
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, chỉ riêng hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm Việt Nam thiệt hại hơn 500.000 tỷ đồng. Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống hiện hữu ngày càng rõ nét hơn và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa đến quốc phòng, an ninh.
Tại Tọa đàm "An ninh phi truyền thống và thách thức đặt ra" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 18/10, các vị khách mời đã làm rõ các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở Việt Nam đối với cuộc sống con người và sự phát triển bền vững của đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng những thách thức của an ninh phi truyền thống không được giải quyết, không được ứng xử đúng, không được ngăn ngừa, ngăn chặn, tất yếu sẽ chuyển hóa thành vấn đề an ninh truyền thống; tác động trực tiếp đến sự ổn định, vững mạnh của một Nhà nước, một chế độ xã hội, sự phát triển của một quốc gia, sự độc lập, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của quốc gia.
[Phòng ngừa, ứng phó với thách thức, đe dọa an ninh phi truyền thống]
Dẫn chứng vụ việc Formosa năm 2014 tại các tỉnh miền Trung hay các vụ biểu tình gây rối năm 2018 ở nhiều tỉnh, thành phố với lý do "phản đối Luật Đặc khu"…, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn nhận định, “nếu chúng ta chủ quan, không quan tâm đến vấn đề an ninh phi truyền thống, những thách thức của an ninh phi truyền thống, tất yếu chúng chuyển hóa dần từng bước, đến lúc nào đó trở thành thách thức trực tiếp đến vấn đề quốc phòng, an ninh, sức mạnh của quốc gia. Đấy là điều chúng ta phải quan tâm.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, an ninh phi truyền thống quyết định sự bền vững của mỗi cá nhân con người. Chúng ta cần xây dựng chiến lược, ứng phó với từng mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Phó Tổng Giám đốc VNPT Vinaphone Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ từ khi bắt đầu đổi mới, chuyển dần sang các mạng truyền dữ liệu và công nghệ số, chúng ta đã rất chú ý đến vấn đề an ninh, an toàn mạng. Môi trường mạng đi nhanh hơn môi trường thực. Trong môi trường thực, nếu chúng ta bước nhầm, có thể bước vào vũng nước.
Trong môi trường mạng, nếu lướt nhầm ngón tay, chúng ta đã có rủi ro lớn. Đã có nhiều báo cáo đánh giá năng lực mạng lưới, năng lực hạ tầng thông tin của Việt Nam sẽ sánh ngang với các nước phát triển nhưng ở phạm trù về an ninh an toàn mạng, chúng ta cần đánh giá cặn kẽ hơn.
Hiện nay, Bộ Công an đã phát triển ứng dụng xác thực định danh điện tử, người dân giao tiếp trực tiếp với các cấp chính quyền thông qua môi trường mạng. Từng người dân là những nhân tố, thành tố tham gia vào quá trình bảo đảm an ninh, an toàn cho các giao dịch của Chính phủ, các giao dịch của chính mình, và cả hệ thống quốc gia. Vấn đề an ninh, an toàn mạng không có biên giới, khoảng cách và trách nhiệm của chúng ta là phải nhận dạng được, hướng tới cuối cùng là sự an toàn của người dùng.
Tại tọa đàm, các khách mời đánh giá, Việt Nam đã thực hiện rất tốt phương châm quản trị an ninh phi truyền thống "4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ. Đỗ Cảnh Thìn, phương châm “4 tại chỗ” đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như ứng phó một số thiên tai, hoạn nạn, hỏa hoạn… Từ nền tảng 4 tại chỗ, nhiều địa phương đã có thêm các sáng kiến khác có thể giải quyết, ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống rất hiệu quả. Do đó, phương châm này cần tiếp tục tăng cường, sáng tạo hơn nữa bởi nó đem lại hiệu quả cao nhất là chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề, mọi thứ ngay ở cơ sở.
“Khi vấn đề đã giải quyết được ở cơ sở, nó không lan tỏa, không bùng phát, không ảnh hưởng diện rộng. Và như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo được an ninh trật tự,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn phân tích.
Đại tá, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Thanh, nguyên Trưởng phòng, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an khuyến nghị, cần nâng cao nhận thức của cán bộ chủ chốt ở địa phương thông qua việc tăng cường đào tạo, đặc biệt là môn quản trị an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống.
Đề cập đến vai trò của giáo dục đào tạo trong vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Đình Phi cho rằng, cần giáo dục từ bé đến lớn, lồng ghép nội dung rất đơn giản về an toàn, ổn định cho trẻ em. Ở các bậc cao hơn, cần tăng cường các nghiên cứu sâu mang tính đánh giá và dự báo, đồng thời phải đơn giản hóa các kết quả nghiên cứu thành những phương trình cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai, lý thuyết ngắn gọn. Quá trình này cần có ý kiến của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự ủng hộ đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương và các cấp lãnh đạo.
“An ninh cho từng doanh nghiệp, địa phương, quốc gia chắc chắn sẽ phát triển bền vững,” ông nói.
Để phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Yêm (Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, đầu tiên phải có hệ thống chính sách pháp luật tương đối tốt, hoàn chỉnh, giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước có thể kiểm soát được các mối đe dọa này.
Tiếp theo đó là tăng cường nâng cao năng lực về quản trị quốc gia, kiểm soát tốt được mối đe dọa nhỏ ban đầu để không phát triển thành khủng hoảng, thảm họa. Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đưa chương trình tập huấn về quản trị an ninh phi truyền thống thành chương trình bắt buộc trong giáo dục quốc phòng an ninh cho các cơ quan Đảng, chính quyền, địa phương./.