An ninh thông tin 2011: Nhiều biến cố báo động

Chỉ tính đến 7/11/2011, ở Việt Nam, đã có hơn 300 website của các cơ quan, DN, cá nhân bị tấn công, trong đó có nhiều trang với tên miền .gov.vn.
Năm 2011 tình hình an ninh thông tin đối với tài nguyên trên mạng của Việt Nam có nhiều biến cố đáng báo động và diễn biến phức tạp, các vụ tấn công và vi phạm gia tăng mạnh về mặt số lượng, hình thức vi phạm ngày càng đa dạng, tinh vi và có tính tổ chức.

Thông tin trên được dẫn theo báo cáo hiện trạng an ninh thông tin khu vực phía Nam của Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA). Báo cáo được công bố tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam lần thứ 4 tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/11.

Chỉ tính đến ngày 7/11/2011, ở Việt Nam đã có hơn 300 website của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân bị tấn công, trong đó có nhiều trang là của cơ quan nhà nước với tên miền .gov.vn.

Gần đây nhất là vào tháng 10/2011, có hơn 150 website có tên miền .vn, .com, .net bị đánh sập và đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối tượng bị tấn công và sửa đổi thông tin không dừng lại ở các đơn vị nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp nhỏ mà còn có cả trang thông tin của các tập đoàn, tổng công ty có tiềm năng về tài chính với nhiều dữ liệu cần được bảo mật…

Theo đánh giá của hãng phần mềm chống virus, Synmantec trong báo cáo hiểm họa an ninh Internet, Việt Nam xếp thứ 12 về mã độc và thứ 10 về thư rác, ngoài ra chỉ số mất an ninh khác đều tăng bậc trong 86 quốc gia mà hãng này khảo sát.

Theo VNISA, trong năm 2011 tại Việt Nam nổi lên hiện tượng tội phạm nước ngoài tới tạm trú sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, ăn cắp thông tin, tài khoản cá nhân trên toàn cầu. Ngoài ra, các tội phạm nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng gia tăng.

Các chuyên gia về an ninh thông tin nhận định, năm 2011 các cuộc tấn công vào mạng thông tin Việt Nam ngày càng mang động cơ chính trị và kinh tế rõ ràng.

Các tổ chức tội phạm hoặc tổ chức cực đoan sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là Internet như một công cụ và môi trường để tấn công vào các tổ chức, cơ quan, thạm chí chính phủ và quốc gia nhằm làm tổn thất về kinh tế, chính trị, xã hội ngày cao.

Với sự bùng nổ trong công nghệ viễn thông tiên tiến, thiết bị di động trở thành mắt xích qua trọng trong an toàn thông tin, bị các đối tượng tin tặc lợi dụng tấn công vì tài nguyên cũng như công cụ phòng thủ yếu, điều này khiến việc lưu trữ thông tin cá nhân, bí mật kinh doanh, định vị địa lý bị tin tặc lợi dụng khai thác.

Ngoài ra, các mạng xã hội cũng là môi trường phổ biến bị tin tặc lợi dụng thông qua việc sử dụng các chiêu thức dụ người sử dụng tham gia các cuộc khảo sát trực tuyến có mục đích xấu, cài đặt các ứng dụng kém an toàn…

Trước sự mất an toàn thông tin đang gia tăng như vậy, VNISA phía Nam cho rằng ngay từ bây giờ chúng ta cần có sự chuẩn bị nghiêm túc về nhân lực, công nghệ, triển khai đào tạo nâng cao ý thức về an toàn thông tin.

VNISA đã kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần thành lập đầu mối thống nhất, có thể là một Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính để các cơ quan, doanh nghiệp và công dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận; có cơ chế, chính sách và đầu tư thích đáng nhằm phát triển đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin của thành phố, khu vực phía Nam có khả năng kết hợp giải quyết sự cố phức tạp về công nghệ có ảnh hưởng lớn về tài chính, an ninh xã hội; có chính sách khuyến kích nghiên cứu, phát triển các sản phẩm an ninh thông tin nội địa; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.

Riêng đối với các doanh nghiệp, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn thông tin và có kế hoạch tổng thể về an toàn thông tin, xây dựng bộ máy quản lý và gắn trách nhiệm rõ ràng cho các cán bộ chuyên trách đồng thời, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống nhằm ứng phó kịp thời với sự thay đổi và tiến bộ công nghệ./.

Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục