Ấn tượng với bước tiến dài của kinh tế-xã hội Bạc Liêu

So với khi mới tái lập tỉnh năm 1997, năm 2013 kinh tế-xã hội của Bạc Liêu đã có bước tiến dài, chỉ số năng lực canh tranh xếp 7/63 tỉnh trong cả nước.
Ấn tượng với bước tiến dài của kinh tế-xã hội Bạc Liêu ảnh 1 Khu trung tâm thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

So với năm 1997, khi mới tái lập tỉnh Bạc Liêu, năm 2013 kinh tế-xã hội của Bạc Liêu đã có bước tiến dài, chỉ số năng lực canh tranh (CPI) đang tiến bộ rất nhanh khi xếp hạng 7/63 tỉnh trong cả nước.

Chỉ tính giai đoạn phát triển gần đây nhất (2005-2013) tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Bạc Liêu đạt 11,51%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.047 USD/năm.

Giá trị sản xuất nông nghiệp từ chỗ chỉ có 6.050 tỷ đồng tăng lên 8.800 tỷ đồng, tăng bình quân 8,67%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 2.339 tỷ đồng tăng lên 4.750 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa xuất khẩu từ 151 triệu USD tăng lên 377 triệu USD trong năm 2013.

Tỷ lệ hộ nghèo tại Bạc Liêu giảm từ 28,08% năm 2005 xuống còn 10,44% vào năm 2013.

Tuy nhiên, xét bình diện chung, Bạc Liêu vẫn là một tỉnh khó khăn, một tỉnh nghèo, thực lực kinh tế còn yếu. Ngoài nguyên nhân do xuất phát điểm về hạ tầng kinh tế-xã hội yếu kém, ở xa các trung tâm kinh tế lớn nên gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, Bạc Liêu còn chưa có những dự án kinh tế lớn mang tầm quốc gia.

Nhận thấy hết khó khăn vướng mắc, Bạc Liêu đã đưa ra kế hoạch cải thiện tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh gồm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đô thị thành phố và các trung tâm huyện; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới, trên cơ sở đó xây dựng các dự án cụ thể để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển; tranh thủ với các bộ ngành Trung ương để đưa Bạc Liêu vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch phát triển vùng đối với một số dự án lớn mà Bạc Liêu có tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản, phát triển năng lượng, cảng biển...

Về quy hoạch đô thị thành phố Bạc Liêu, sẽ thiết kế kiến trúc đô thị hai bên bờ sông Bạc Liêu và một số khu vực, tuyến đường trong nội ô theo hướng chú trọng phát triển những tòa nhà cao tầng để tạo nên tính hiện đại của thành phố và quan tâm kiến trúc cổ, biệt thự thấp tầng để giữ dáng vẽ của một thành phố miền Tây.

Về quy hoạch sản xuất vùng ven biển (Nam Quốc lộ 1A), ngoài đê biển sẽ tiếp tục trồng thêm rừng gắn với khai thác có hiệu quả đất bãi bồi, nhất là du lịch, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Khu vực trong đê, tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch lại diện tích nuôi tôm còn 15.000ha; số diện tích còn lại sẽ nuôi quảng canh, kết hợp với trồng rừng và làm du lịch theo mô hình sinh thái. Những nơi vẫn còn trồng lúa, trồng hoa màu có hiệu quả sẽ khoanh bao lại để phát triển lúa và hoa màu.

Về công nghiệp, Thường trực Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao các Bộ và lãnh đạo tỉnh khảo sát, lập báo cáo để trình Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch quốc gia các dự án lớn, trên cơ sở đó lập dự án để đầu tư như Khu kinh tế biển Gành Hào song song với việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Trà Kha; xây dựng cụm công nghiệp Láng Trâm (huyện Giá Rai), Ninh Quới (huyện Hồng Dân), Cảng biển Gành Hào (huyện Đông Hải), Trung tâm nhiệt điện, nhà máy phong điện thành phố Bạc Liêu.

Về du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét để đưa một số dự án du lịch Bạc Liêu vào quy hoạch du lịch quốc gia, du lịch vùng, theo đó, Bạc Liêu đã, đang và sẽ lập nhiều dự án du lịch tầm cỡ để kêu gọi đầu tư, trong đó sẽ khai thác tối đa tiềm năng biển xây dựng các khu nghĩ dưỡng như đã khởi công ở phường Nhà Mát thành phố Bạc Liêu, khu du lịch vui chơi giải trí gắn với các giai thoại về Công tử Bạc Liêu để thu hút khách du lịch.

Về giao thông, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung đưa tuyến đường Gành Hào-Giá Rai-Vĩnh Thuận, Kiên Giang vào quy hoạch các tuyến đường ngang của Đường Hồ Chí Minh; bổ sung các tuyến giao thông huyết mạch như Gành Hào-Hộ Phòng, Láng Trâm-Quản lộ Phụng Hiệp, đường Cao Văn Lầu, cầu Bạc Liêu 4 vào quy hoạch phát triển giao thông đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở đó đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Trung ương cũng đã đồng ý hỗ trợ vốn đầu tư dự án bờ kè sông Bạc Liêu - đoạn qua nội ô thị xã Bạc Liêu để vừa chống sạt lở, vừa góp phần chỉnh trang đô thị cho thành phố Bạc Liêu theo hướng văn minh hiện đại.

Để bảo đảm cho thực hiện những kế hoạch trên, Bạc Liêu đang tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp tìm đến để đầu tư sản xuất-kinh doanh theo hướng thuận lợi nhất.

Hiện nay Bạc Liêu đã ký kết hợp tác kinh tế với Thành phố Hồ Chí Minh và môt số tỉnh, thành phố để làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến Bạc Liêu đầu tư, trong đó đặc biệt chú trọng ký kết hợp tác với các Tập đoàn kinh tế mạnh của quốc gia, những doanh nghiệp có thực lực kinh tế và có uy tín.

Tỉnh đang đổi mới phương thức sử dụng nguồn nhân lực; có cơ chế, khuyến khích, trọng dụng nhân tài, vì đây là những hạt nhân tạo sự đột phá cho phát triển; bố trí cán bộ đúng với sở trường của cá nhân, sử dụng và đề bạt bổ nhiệm những vị trí quan trọng đối với những cán bộ trẻ có trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức, đồng thời tạo môi trường để nhân tài thể hiện mình và cống hiến; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong tỉnh và cán bộ cơ sở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục