Anh cam kết giải quyết Gibraltar với Tây Ban Nha qua đối thoại

Ngày 3/4, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định Anh sẽ thông qua đối thoại để giải quyết những khác biệt với Tây Ban Nha về vấn đề chủ quyền của vùng lãnh thổ Gibraltar.
Anh cam kết giải quyết Gibraltar với Tây Ban Nha qua đối thoại ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/4, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định Anh sẽ thông qua đối thoại để giải quyết những khác biệt với Tây Ban Nha về vấn đề chủ quyền của vùng lãnh thổ Gibraltar.

Đồng thời, bà May bác bỏ thông tin cho rằng tranh cãi đối với vấn đề chủ quyền vùng lãnh thổ Gibraltar sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Anh và Tây Ban Nha.

Văn phòng Thủ tướng Anh cũng lên tiếng bác bỏ tin đồn Anh có thể sẽ cử đội quân đặc nhiệm đến để bảo vệ lãnh thổ Gibraltar và cho biết "điều này sẽ không xảy ra."

Cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis cũng đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis tại Madrid để bàn về các vấn đề liên quan đến Gibraltar và việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.

Tờ Financial Times mô tả cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong không khí "thân thiện và mang tính xây dựng."

Theo nguồn tin, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Dastis đã cố gắng làm dịu bớt những căng thẳng xuất phát từ việc Hội đồng châu Âu (EC), trong dự thảo những nguyên tắc đàm phán Brexit, đã đưa vào điều kiện cho phép Tây Ban Nha có quyền phủ quyết thỏa thuận thương mại Anh-EU trong tương lai nếu như thỏa thuận này ảnh hưởng đến Gibraltar.

Văn phòng Thủ tướng Anh hy vọng điều khoản liên quan đến Gibraltar sẽ không nằm trong các nguyên tắc đàm phán của EU đối với Brexit khi những nguyên tắc này được thông qua vào cuối tháng Tư này.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha cho biết mục đích của nước này là bảo vệ lợi ích của các công dân Tây Ban Nha sống gần, và đang làm việc tại lãnh thổ Gibraltar và nói rõ " chúng tôi không ủng hộ việc tăng rào cản thuế quan hay làm khó mối quan hệ với Anh hay các công dân của Gibraltar."

Trong khi đó, Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo lên tiếng chỉ trích cho rằng đề xuất ghép kèm điều kiện Gibraltar vào trong nguyên tắc đàm phán của EU là không cần thiết và mang tính phân biệt đối xử.

Trước đó ngày 2/4 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh sẽ không bao giờ để Gibraltar vượt ra khỏi sự kiểm soát của Anh, cho rằng điều này trái ngược với nguyện vọng của người dân trong bối cảnh vấn đề liên quan đến chủ quyền của vùng lãnh thổ hải ngoại này "nóng" lên tại thời điểm tiến trình Brexit vừa khởi động.

Gibraltar là chủ đề gây tranh cãi từ lâu giữa Anh và Tây Ban Nha.

Khu vực này nằm ở phía Nam Tây Ban Nha, với dân số khoảng 32.000 người song lại nằm cách xa lãnh thổ của Anh.

Khi Anh còn là thành viên Liên minh châu Âu (EU), EU có thể dễ dàng coi đây là vùng lãnh thổ của EU, song Brexit một lần nữa lại khiến vấn đề này trở nên phức tạp và khó xử hơn.

Trong hai cuộc trưng cầu hồi năm 1967 và 2002, người dân vùng lãnh thổ hải ngoại này đều mong muốn thuộc về Anh, phản đối việc chia sẻ chủ quyền với Tây Ban Nha, song họ hoàn toàn không đồng tình với việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.

Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ nếu EU áp dụng mọi thỏa thuận ký kết với Anh cho Gibraltar, vô hình trung họ sẽ công nhận vùng đất này thuộc về Anh.

Khi đó, Tây Ban Nha có thể sẽ phản đối bằng cách phủ quyết mọi kết quả đàm phán mà EU đạt được với Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục