Chính phủ Anh đang chịu áp lực với chương trình thị thực dành cho các nhà đầu tư tiềm năng sau khi quốc đảo Malta công bố kế hoạch bán hộ chiếu của nước này với giá 650.000 euro, cho phép người mua có quyền định cư ở tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức.
Trước đây, một số nước EU cũng đã tạo điều kiện cho người nước ngoài giàu có nhanh chóng có được quốc tịch thông qua việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, kế hoạch bán hộ chiếu EU của Malta - dự kiến bắt đầu từ cuối tháng này - là chưa từng có tiền lệ, cho phép người đủ tiêu chuẩn có hộ chiếu ngay lập tức mà không cần phải đáp ứng yêu cầu là đã từng định cư ở nước này trong thời gian trước đó.
Kế hoạch của Malta đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới chức Anh và châu Âu vì họ cho rằng việc này có thể gây ra "rủi ro" đối với an ninh quốc gia, đồng thời ảnh hưởng đến chương trình thị thực dành cho các nhà đầu tư nước ngoài của xứ sở sương mù.
Chương trình của Anh cho phép người nước ngoài có các khoản đầu tư từ 1 triệu bảng, 5 triệu bảng và 10 triệu bảng trở lên vào cổ phiếu hoặc các công ty của nước này được định cư lâu dài sau 5, 3 hoặc 2 năm. Tuy nhiên, để đáp ứng được tiêu chuẩn này, người xin cấp phép không được sống ngoài lãnh thổ Anh quá 180 ngày/năm.
Ông David Hanson, Thứ trưởng phụ trách nhập cư của Anh, cho biết ông rất lo ngại về đề xuất của Malta và ông cũng đã chất vấn Bộ Nội vụ về các biện pháp nhằm phản đối kế hoạch này.
Ông Hanson cảnh báo việc này có thể tạo ra "cửa sau" cho người nước ngoài giàu có muốn định cư ở bất cứ nước nào trong EU và đó không phải là chính sách nhập cư chặt chẽ và hợp lý.
Không chỉ vấp phải sự phản đối từ bên ngoài mà kế hoạch của Chính phủ Malta cũng bị chỉ trích gay gắt ở trong nước.
Là một thành viên của EU và Khối thịnh vượng chung, Malta cũng đã phải giải trình về kế hoạch này sau khi Mỹ và các nước khác bày tỏ lo ngại vì trên thực tế người có quốc tịch Malta được phép du lịch tới Mỹ và 160 nước khác trên khắp thế giới mà không cần phải xin thị thực.
Trong khi đó, mặc dù các quan chức EU nhận thấy rằng động thái của Chính phủ Malta sẽ gây ra những lo ngại đối với an ninh của các nước thành viên, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) vẫn phải "khoanh tay đứng nhìn" vì không có quyền can thiệp vào các điều luật riêng của các nước EU./.