Anh quyết cải tổ mạnh hệ thống điều phối tài chính

Anh cải tổ mạnh hệ thống điều phối tài chính theo hướng giải tán FSA và trao nhiều quyền hạn mới cho Ngân hàng Trung ương (BoE).
Ngày 16/6, tân Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne công bố những thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống điều phối tài chính của nước này theo hướng giải tán Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) và trao nhiều quyền hạn mới cho Ngân hàng Trung ương (BoE).

Kế hoạch mới sẽ chấm dứt hoạt động của "hệ thống điều phối ba bên" do Chính phủ tiền nhiệm thành lập năm 1997, gồm BoE, FSA và Bộ Tài chính. Thay vào đó, quyền lực điều phối sẽ tập trung vào BoE. Trong khi đó, FSA được chia thành ba cơ quan nhỏ hoạt động trong khuôn khổ BoE nhằm tạo điều kiện để các cơ quan này phối hợp tốt hơn khi phản ứng với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Một trong ba cơ quan sẽ giám sát các công ty tài chính, công việc trước đây do FSA đảm nhiệm, tổ chức vốn từ lâu bị chỉ trích không dự đoán được nguy cơ sụp đổ của hệ thống ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tín dụng. Hai cơ quan còn lại là Ủy ban Chính sách Tài chính, phụ trách giám sát các mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế và tài chính; Cơ quan Thị trường và Bảo vệ Người tiêu dùng chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của các công ty tài chính chuyên cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng.

Bên cạnh nhiệm vụ giám sát sự lành mạnh của toàn bộ nền kinh tế, BoE sẽ được giao nhiệm vụ giám sát các thể chế cho vay, công ty bảo hiểm và ngân hàng đầu tư nhằm tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tín dụng vừa qua, nguyên nhân đẩy nước Anh vào thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ năm 1930.

Giải thích lý do cải tổ hệ thống điều phối tài chính, ông Osborne cho rằng hệ thống kinh tế vĩ mô và điều phối của Anh đã không phát hiện được, chưa nói là có khả năng ngăn chặn, tình trạng nợ nhà nước tăng nhanh và vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Ông nhấn mạnh kế hoạch này nhằm buộc các ngân hàng phải hỗ trợ người dân, chứ không để người dân bảo lãnh ngân hàng.

Ông cũng thông báo các kế hoạch như áp thuế mới đối với các ngân hàng, tiếp tục hạn chế lương và tiền thưởng, thiết lập ủy ban độc lập nhằm đánh giá nguy cơ vỡ nợ của các ngân hàng lớn cũng như nguy cơ các chi nhánh đầu tư và bán lẻ của các ngân hàng này tách riêng ra.

Ông Osborne công bố kế hoạch cải tổ hệ thống điều phối tài chính trong bài diễn văn đầu tiên kể từ khi nhậm chức trước các lãnh đạo giới kinh doanh, một sự kiện thu hút sự chú ý nhiều nhất trong nhiệm kỳ của bất kỳ bộ trưởng tài chính nào ở xứ sở Sương mù.

Nếu được Quốc hội Anh thông qua, hệ thống điều phối tài chính mới sẽ được kiện toàn vào năm 2012 để đi vào hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục