Sau những thích thú về chiếc áo dài lụa duy nhất được trưng bày ở Bảo tàng quốc gia phương Đông ở thủ đô Moskva, ngày 10/6, lần đầu tiên khán giả ở xứ sở Bạch Dương được chiêm ngưỡng trọn bộ sưu tập áo dài của tác giả - nhà thiết kế Việt Nam Đặng Thị Minh Hạnh.
Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ Năm chéo Việt Nam tại Liên bang Nga, Năm Liên bang Nga tại Việt Nam và cũng nhằm hướng tới Những ngày nước Nga, song các nhà tổ chức đã mất gần một năm để chuẩn bị. Sự kiện thu hút chú ý trước hết của người yêu nghệ thuật, các nhà phê bình nghệ thuật Nga, giới nghiên cứu Việt Nam, báo chí và những người dân thủ đô.
Đại diện bảo tàng và là nhà giám sát buổi trình diễn Albina Legostaeva cho biết, năm ngoái nhân dịp tròn 100 năm tuổi, Bảo tàng đã tổ chức triển lãm về vẻ đẹp của cô gái phương Đông từ nhiều miền đất trên thế giới. Áo dài đã được chọn để thể hiện vẻ đẹp Đông Nam Á. Qua giới thiệu của nhà Việt Nam học Elena Zubsova, người từng làm việc một thời gian dài ở Hà Nội, áo dài Minh Hạnh đã được giới thiệu với Bảo tàng và ngày hôm nay là với đông đảo người yêu nghệ thuật ở xứ sở Bạch Dương.
Bộ sưu tập được chia thành ba phần, đưa người xem đi từ những cảm quan cơ bản về chiếc áo dài Việt đến một nét tinh tế độc đáo khi áo dài kết hợp với hoa văn dân tộc ít người và kết ở sự giao thoa trân quý giữa mĩ cảm xứ Nga với tinh hoa xứ Việt. Để ra mắt khán giả xứ Bạch Dương, nhà thiết kế Minh Hạnh chọn lụa tơ tằm, phong cách truyền thống và nón lá.
Khán giả đến từ một nền văn hóa khác biệt đã nhận được thông điệp về quan niệm vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam: dịu dàng, khiêm tốn song đặc biệt tinh tế.
Ở phần hai, áo dài chứng tỏ sức lan tỏa khi kết hợp với những nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc thiểu số để tạo thành diện mạo mới. 60 bộ váy áo may từ lụa tơ tằm thiên nhiên Bảo Lộc và vải thổ cẩm do chính bàn tay của các cô gái dân tộc H’Mông, Dao ở miền Bắc, Tà Ôi ở miền Trung, ở cao nguyên miền Trung, K’ho, Châu mạ ở cao nguyên miền Trung, dệt nên.
Lấy cảm hứng từ trang phục thêu cầu kỳ của người dân tộc, bộ sưu tập không thể thiếu được những thử nghiệm táo bạo vốn làm nên thương hiệu “áo dài Minh Hạnh:” bản sắc núi rừng, cao nguyên xứ Á đan quyện và “nhịp bước” với mô típ “Sa hoàng Nga.”
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, nhà báo chuyên viết về nghệ thuật Olga Seregina nhận xét, buổi trình diễn thực sự cho thấy nghệ thuật hiện diện trong mốt và mốt hiện diện trong nghệ thuật và sẽ là tuyệt vời nếu điều này trở thành phong cách trang phục cho số đông.
Theo bà, nghệ thuật thời trang thực sự đạt đỉnh cao khi tác phẩm không chỉ là một chiếc váy, một món phụ kiện, mà là cả một hình ảnh mang thông điệp.
Thông điệp đó được chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật này nhìn ra ở sự kết hợp giữa bản sắc dân tộc và tính hiện đại, một định hướng không chỉ thể hiện trình độ sáng tạo mốt cao mà còn có ý nghĩa thực tiễn, đảm bảo sức thu hút, sự gần gũi giữa trang phục truyền thống với giới trẻ, thuyết phục được giới trẻ, trở thành lựa chọn của họ, cũng nghĩa là truyền thống bảo đảm được bảo tồn sâu sắc và hiệu quả.
Phần ba bộ sưu tập đến với công chúng một cách bình dị hơn, áo dài lụa thiên nhiên in hình ảnh những công trình kiến trúc của Nga, những tinh hoa của nền văn hóa xứ sở Bạch Dương. Trình diễn là những cô gái đang theo học ngành Việt Nam học, họ có cơ hội được hiện thân cho vẻ đẹp Á Đông nơi đất nước mình chọn gắn bó, được chạm tay vào nét tinh hoa và niềm tự hào lớn nhất của người phụ nữ Việt Nam. Một sự kết nối không chỉ giữa truyền thống và hiện đại, mà còn giữa thẩm mỹ phương Đông và phương Tây, giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Liên bang Nga.
Sự kết nối đó cũng là mục đích của nhà thiết kế Minh Hạnh. Chị tiết lộ đang có kế hoạch tổ chức một buổi trình diễn quy mô hơn, chất lượng cao hơn tại khu bảo tàng Tsarisyno vào tháng Tám tới nhân dịp ngày sinh của một người phụ nữ nổi tiếng, người đã có đóng góp lớn cho kho tàng nghệ thuật của Nga và cũng là một người rất ưa chuộng mốt, là Nữ hoàng Ekaterina.
Áo dài Việt một lần nữa vươn ra ngoài dải đất hình chữ S đến với nhiều châu lục, nhiều vùng đất, nhiều nền văn hóa khác, tự tin trở thành vị đại sứ văn hóa thanh cao mà gần gũi./.