Áo khẳng định sẽ phủ quyết việc Bulgaria, Romaria gia nhập Schengen

Phát biểu trước khi bước vào cuộc họp với những người đồng cấp EU, Bộ trưởng Nội vụ Áo, ông Gerhard Karner khẳng định: “Tôi sẽ bỏ phiếu chống việc mở rộng Schengen với Romania và Bulgaria.”
Áo khẳng định sẽ phủ quyết việc Bulgaria, Romaria gia nhập Schengen ảnh 1(Nguồn: RFE/RL)

Ngày 8/12, Áo cho biết sẽ phủ quyết việc hai thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Romania và Bulgaria gia nhập khu vực miễn thị thực Schengen. Động thái này giáng đòn mạnh vào nỗ lực kéo dài cả thập kỷ qua của hai nước trên.

Phát biểu trước khi bước vào cuộc họp với những người đồng cấp EU tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Nội vụ Áo, ông Gerhard Karner khẳng định: “Tôi sẽ bỏ phiếu chống việc mở rộng Schengen với Romania và Bulgaria.”

Từng chứng kiến tình trạng người xin tị nạn tăng mạnh, Áo lo ngại rằng việc chấp nhận Bulgaria và Romania sẽ làm tăng nhập cư thông thường. Bộ trưởng Karner cho biết nước ông đã ghi nhận “hơn 100.000 trường hợp nhập cư trái phép trong năm nay.”

Bộ trưởng Nội vụ Đức, bà Nancy Faeser cho biết sẽ tìm cách thuyết phục người đồng cấp Áo. Nhưng Áo nhận được sự ủng hộ của Hà Lan về việc không cho Bulgaria gia nhập Schengen.

Tháng trước, EC cho rằng tất cả ba ứng cử viên – Croatia, Bulgaria và Romania – đáp ứng các tiêu chí để gia nhập khu vực tự do đi lại Schengen. Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã bỏ phiếu ủng hộ quy chế thành viên cho các nước này. Tuy nhiên, các quyết định về việc mở rộng Schengen đều phải được thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối của các nước thành viên.

Trong khi nỗ lực gia nhập của Bulgaria và Romania vấp phải sự phản đối, các Bộ trưởng EU dự kiến sẽ phê chuẩn Croatia gia nhập Schengen, qua đó mở rộng khu vực này lên 27 quốc gia (trong đó có 23 quốc gia trong số 27 nước thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein và Iceland).

[EU thúc đẩy tiếp nhận Bulgaria, Croatia và Romania vào Schengen]

Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas khẳng định: “Chúng ta sẽ mạnh lên, chứ không yếu đi, khi Schengen mở rộng. Mở rộng Schengen đồng nghĩa với kiểm soát tốt hơn.”

Châu Âu đã có quan điểm cứng rắn hơn đối với vấn đề nhập cư sau khi chứng kiến một lượng lớn người xin tị nạn trong năm 2015-2016. Các cuộc cải cách mà các nước ở biên giới EU vốn thường là điểm đến của người di cư, gồm Italy, Tây Ban Nha, Malta và Hy Lạp, yêu cầu đến nay vẫn chưa được thực hiện vì một số nước khác như Áo, Hà Lan, Hungary và Ba Lan không sẵn lòng chia sẻ nghĩa vụ đón một lượng người nhập cư nhất định.

Khu vực Schengen cho phép người dân qua lại tự do, không cần thị thực hay hộ chiếu. Mỗi ngày, có khoảng 3,5 triệu người qua lại biên giới các nước trong Schengen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục