Áo tuyên bố sẵn sàng tham gia "Lá chắn bầu trời châu Âu"

Áo tuyên bố sẵn sàng tham gia sáng kiến "Lá chắn bầu trời châu Âu"

"Lá chắn bầu trời châu Âu" là một sáng kiến liên quan đến việc mua sắm chung các hệ thống tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, bao gồm Iris-T do Đức sản xuất, Patriot của Mỹ, Arrow-3 của Mỹ-Israel.
Áo tuyên bố sẵn sàng tham gia sáng kiến "Lá chắn bầu trời châu Âu" ảnh 1Binh sỹ Đức gác bên hệ thống tên lửa phòng không Patriot. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Áo, quốc gia trung lập, ngày 1/7 đã thông báo ý định tham gia sáng kiến "Lá chắn bầu trời châu Âu", do Đức khởi xướng vào năm 2022.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong một thông cáo báo chí cùng ngày, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết đất nước "phải và sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ đất nước trước nguy cơ bị tấn công bằng thiết bị bay không người lái hoặc tên lửa."

Ông nhấn mạnh rằng quyết định này không đặt câu hỏi về tính trung lập của Áo, quốc gia đã trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1995.

[Pháp khả năng đặt mua 1.000 tên lửa phòng không trị giá nửa tỷ euro]

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner đã hoan nghênh “bước tiến quan trọng trong lịch sử” của đất nước.

Đến nay đã có 17 quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, Anh, Bỉ, Phần Lan, Hungary, Hà Lan và Thụy Điển, đã cùng nhau hợp tác phòng không trong dự án "Lá chắn bầu trời châu Âu," một sáng kiến liên quan đến việc mua sắm chung các hệ thống tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, bao gồm Iris-T do Đức sản xuất, Patriot của Mỹ và Arrow-3 của Mỹ-Israel.

Hôm 19/6, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố Pháp đã đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục một số đồng minh của Paris trong EU xem xét và cân nhắc về một chiến lược phòng thủ mang tính tự chủ chiến lược hơn.

Điều này đang đi ngược nỗ lực do Đức dẫn dắt, theo đó hướng vào việc mua chung các hệ thống phòng không từ các đối tác bên ngoài châu Âu.

Hiện Pháp, Italy và Ba Lan đã không đăng ký kế hoạch mua chung các hệ thống phòng không, Paris lập luận ủng hộ hệ thống phòng không có chủ quyền sử dụng thiết bị châu Âu.

Theo nhà lãnh đạo Pháp, EU cần có một chiến lược phòng không tự chủ chiến lược của riêng mình, chứ không phải phụ thuộc cụ thể vào Mỹ thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).

Tổng thống Macron cũng cho rằng điều quan trọng là EU cần xây dựng cho riêng mình một nền công nghiệp phòng không và chỉ mua sắm khí tài giữa các nước EU với nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục