APEC: Phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau

Một thế giới tươi sáng và không ai bị bỏ lại phía sau đang là mục tiêu hướng đến của thế giới và các nhà lãnh đạo APEC giữ một vai trò đặc biệt trong việc chấm dứt vấn đề dai dẳng này.
APEC: Phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau ảnh 1(Nguồn: Apec.org)

Trong chặng đường 28 năm hình thành và 23 năm thực hiện Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở khu vực, qua đó đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo và mang lại lợi ích chung cho mọi người.

Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ dẫn đầu thế giới về tăng trưởng, châu Á-Thái Bình Dương cũng đang dần trở thành khu vực có sự phân hóa rõ rệt về kinh tế và xã hội, khi khoảng cách giữa người giàu với người nghèo và yếu thế càng rộng hơn.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc, cả cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030, gắn kết thực hiện Mục tiêu Bogor với bảo đảm tính bền vững trong phát triển đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với toàn bộ APEC cũng như từng nền kinh tế thành viên.

Do vậy, tăng trưởng bao trùm đã được các nhà lãnh đạo APEC nhất trí đưa vào trọng tâm thảo luận của Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng lần này, và đây cũng chính là một trong bốn ưu tiên lớn mà nước chủ nhà Việt Nam lựa chọn.

Tăng trưởng bao trùm là khái niệm về tăng trưởng kinh tế mà trong đó mọi thành phần trong nền kinh tế đều có được cơ hội phát triển và hưởng các lợi ích, bao gồm cả các lợi ích về mặt kinh tế, một cách công bằng.

Thực tế cho thấy tăng trưởng kinh tế bao trùm không phải là một vấn đề hoàn toàn mới, nó đã xuất hiện những năm gần đây trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển nhanh nhưng kéo theo những thách thức do sự chênh lệch giàu nghèo đang nới rộng hơn bao giờ hết. Cách biệt giàu-nghèo trên thế giới gia tăng đến mức khủng khiếp đã được nêu bật qua những số liệu trong báo cáo do tổ chức Oxfam International công bố mới đây.

Cụ thể, tài sản của 8 doanh nhân giàu nhất thế giới đang tương đương với tài sản của 3,6 tỷ người đang sống ở những nước nghèo. Do sự chênh lệnh giàu-nghèo quá lớn này mà tăng trưởng bao trùm cũng đã trở thành một trọng tâm của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, phản ánh nguyên tắc "không bỏ ai lại phía sau" và tầm nhìn của Liên hợp quốc về "xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, bao dung, cởi mở và bao trùm về xã hội, trong đó mọi nhu cầu của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất đều được đáp ứng."

Năm yếu tố mang tính quyết định đối với phát triển bao trùm, gồm: bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tăng lương và tạo thêm việc làm; gắn tăng trưởng với đầu tư bền vững vào con người; bảo đảm bao trùm về tài chính; có các chính sách thu hẹp bất bình đẳng kinh tế để không tạo ra loại trừ xã hội; và tăng cường phối hợp chính sách ở tầm quốc tế và giữa các tổ chức đa phương trong lĩnh vực tăng trưởng bao trùm

Theo số liệu của Liên hợp quốc, số người đói nghèo ở khu vực APEC đã giảm từ 204 triệu năm 2005 xuống còn 185 triệu người năm 2015. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các nền kinh tế không chỉ là hỗ trợ người nghèo thoát nghèo, mà còn cần bảo đảm rằng những người đã vượt lên trên ngưỡng nghèo đói sẽ không rơi lại tình trạng đói nghèo.

[Mega Story] Tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trong APEC

Nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi bấp bênh, chậm chạp, trong khi sự bất bình đẳng, cách biệt giữa các nền kinh tế và trong từng nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng, có nguy cơ làm đảo ngược các thành quả kinh tế-xã hội mà APEC đã nỗ lực đạt được.

Thực trạng chênh lệch giàu nghèo có thể nhận thấy ở mỗi nền kinh tế thành viên của APEC. Cụ thể, tại Mỹ, khoảng cách chênh lệch về thu nhập và tài sản đang có xu hướng nới rộng.

Trong 3 năm qua, mức thu nhập trung bình thực tế của các hộ gia đình da trắng đã tăng 17%, lên 171.000 USD; trong khi thu nhập của gia đình người Mỹ gốc Phi dù có mức tăng đến 29% nhưng chỉ ở mức 17.600 USD. Hiện nhóm 1% người giàu nhất nước Mỹ sở hữu 38,6% tổng tài sản cá nhân, tăng 2,3% từ năm 2013. Trong khi từ năm 2010, giá trị tài sản cá nhân 99% số người Mỹ còn lại đều giảm.

Trung Quốc được coi là một trong những quốc gia có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất thế giới khi 1% người giàu nhất nước sở hữu tới 1/3 tài sản của quốc gia có số dân đông nhất thế giới này.

Báo cáo của Đại học Bắc Kinh cho thấy 25% số người nghèo nhất Trung Quốc chỉ nắm trong tay 1% số tài sản của cả nước. Kể từ thập niên 1980, hệ số Gini -thước đo sự bất bình đẳng thu nhập, của Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng, từ mức 0,3 lên đến 0,49, cao hơn hẳn hệ số chạm mức cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng thu nhập nghiêm trọng do Ngân hàng Thế giới đề ra là 0,4.

Tương tự tại Hong Kong (Trung Quốc), thu nhập của những gia đình giàu nhất nhiều gấp hơn 40 lần so với những hộ dưới đáy xã hội.

Tại Việt Nam, dù đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế nổi bật với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6,51% trong giai đoạn 1986-2014, thu nhập người dân đã tăng hơn 20 lần, từ mức dưới 100USD những năm 1990 lên mức hơn 2.000 USD năm 2015 và trở thành một nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển kinh tế nhanh chóng đó là khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng trong xã hội.

Còn tại Thái Lan, 1% số người giàu nhất sở hữu 56% khối tài sản quốc gia. Tại Indonesia, 1% tổng dân số nắm giữ nửa tổng tài sản của toàn đất nước.

APEC: Phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau ảnh 2Panô chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được trưng bày tại các khu vực công cộng ở Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Những con số trên cho thấy dù APEC đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển bao trùm, nhưng những gì đã làm được vẫn còn cách xa mong đợi của người dân khi mà họ thấy rõ khoảng cách giàu nghèo ở nhiều nền kinh tế thành viên ngày càng nới rộng.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo có nhiều nguyên nhân, như mô hình kinh tế trong khu vực đang chuyển lợi ích của phụ nữ, công nhân, nông dân, ngư dân và người sản xuất nhỏ sang cho các thế lực cao hơn. Thay vì mở rộng tiếp cận đất đai và những nguồn lực sản xuất khác cho nhóm phụ nữ, công nhân và người dân nghèo, mô hình kinh tế hiện nay vẫn tiếp tục làm giàu cho một vài cá nhân thâu tóm những nguồn lực này.

Việc phụ nữ phải chấp nhận những công việc trả lương thấp đang làm nghiêm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng giới, đồng thời cũng dẫn đến tình trạng ở nhiều nền kinh tế, phụ nữ và các nhóm người yếu thế bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Ngoài ra, nền tài khóa không công bằng mà ở đó những tập đoàn lớn và cá nhân giàu có không đóng đúng và đủ nghĩa vụ thuế, đang làm ảnh hưởng đến đầu tư công cho các dịch vụ thiết yếu. Chất lượng các dịch vụ công như chăm sóc y tế toàn dân, giáo dục và an sinh xã hội đang có dấu hiệu suy giảm, điều này làm giảm cơ hội cho thế hệ tương lai phá vỡ vòng xoáy nghèo đói...

Đã đến lúc các nhà lãnh đạo APEC cần nhìn nhận bất bình đẳng gia tăng là mối đe dọa tới tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực. Tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống người dân, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng.

Tăng trưởng sẽ không bền vững và không thể đạt ngưỡng tối đa nếu không bảo đảm tính bao trùm và trên hết là phải làm sao để mọi người dân ở các nền kinh tế APEC đều có thể tiếp cận cơ hội mới và cơ hội đó phải được chia sẻ đồng đều cho mọi đối tượng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội.

Một thế giới tươi sáng và không ai bị bỏ lại phía sau đang là mục tiêu hướng đến của thế giới và các nhà lãnh đạo APEC giữ một vai trò đặc biệt trong việc chấm dứt vấn đề dai dẳng nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục