ASEAN hiện thực hóa 3 mục tiêu trong hợp tác chống dịch COVID-19

Các bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về đại dịch COVID-19 bởi sự ảnh hưởng lan rộng của đại dịch tới cuộc sống của người dân và các nền kinh tế trong khu vực và trên toàn thế giới.
ASEAN hiện thực hóa 3 mục tiêu trong hợp tác chống dịch COVID-19 ảnh 1Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52), sáng 28/8, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tổ chức Hội nghị tham vấn với các đối tác ngoại khối, bao gồm Nhật Bản.

Buổi tham vấn lần thứ 26 giữa ASEAN và Nhật Bản do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ngài Kajiyama Hiroshi đồng chủ trì.

Tại buổi tham vấn về kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản lần này, các bộ trưởng ghi nhận tổng giá trị giao dịch hàng hóa giữa ASEAN và Nhật Bản đã đạt 225.900 tỷ USD trong năm 2019, chiếm 8% tổng lượng giá trị giao dịch thương mại của toàn khối ASEAN trong năm 2019.

Trong khi đó, tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật bản vào ASEAN đạt khoảng 20.400 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng lượng đầu tư vào ASEAN.

Những con số này đã khiến Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư và là nhà đầu tư lớn thứ hai của cộng đồng các nước ASEAN trong năm 2019.

Các bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về đại dịch COVID-19 bởi sự ảnh hưởng lan rộng của đại dịch tới cuộc sống của người dân và các nền kinh tế trong khu vực và trên toàn thế giới.

ASEAN hiện thực hóa 3 mục tiêu trong hợp tác chống dịch COVID-19 ảnh 2Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mặt khác, các bộ trưởng tái khẳng định các cam kết cùng nhau hành động nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của đại dịch và nỗ lực đảm bảo sự bền vững của kinh tế và tài chính ở cấp vĩ mô, thông qua việc mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư, đảm bảo sự bền vững của chuỗi cung ứng, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu như các sản phẩm y tế, thuốc và lương thực trong khu vực.

Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực chung trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định xã hội trong khu vực bao gồm cả việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020.

[ASEAN-Trung Quốc ghi nhận thương mại song phương vẫn tăng mạnh]

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng ghi nhận tiến triển của việc triển khai Kế hoạch Hành động về việc phục hồi kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản đã được các bộ trưởng của hai bên thông qua tại cuộc họp đặc biệt trực tuyến ngày 29/7/2020.

Kế hoạch bao gồm nhiều hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa ba mục tiêu chính trong quá trình hợp tác chống lại đại dịch COVID-19, gồm đảm bảo mối quan hệ kinh tế gần gũi giữa ASEAN và Nhật Bản; giảm nhẹ các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên các nền kinh tế; củng cố sự linh hoạt của các nền kinh tế trong khu vực.

ASEAN hiện thực hóa 3 mục tiêu trong hợp tác chống dịch COVID-19 ảnh 3Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi đồng chủ trì tại đầu cầu Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Các bộ trưởng nhấn mạnh niềm tin rằng Kế hoạch sẽ giúp ASEAN và Nhật Bản vượt qua các thách thức của đại dịch và đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực sau đại dịch.

Các Bộ trưởng hoan nghênh việc Nghị định thư lần thứ nhất về việc điều chỉnh Hiệp đinh Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); trong đó có các chương về Thương mại dịch vụ, di chuyển của thể nhân và đầu tư vào ngày 1/8/2020 và hướng tới việc triển khai một cách toàn diện trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục