ASEAN thu hút 60 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Mười nước ASEAN đã thu hút 60 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm vừa qua, trong đó 11 tỷ USD đến từ các nhà đầu tư nội khối.
Theo tạp chí ASEAN Affairs, 10 nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã thu hút được 60 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2009 vừa qua.

Các nhà đầu tư nội khối chỉ đóng góp 11 tỷ USD vào con số trên, trong đó hầu hết là các nhà đầu tư từ Singapore và Malaysia.

Điều này rõ ràng cho thấy các nhà kinh doanh ASEAN tụt lại đằng sau các công ty đa quốc gia nước ngoài trong việc giành lợi thế từ các đặc ân đầu tư và thương mại của khối.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitssuwwan đã kêu gọi các nhà kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á đầu tư bên trong khối, gọi họ là "những nhân tố cơ bản của nhất thể hóa kinh tế khu vực."

Theo ông, các nhà đầu tư từ châu Âu và các khu vực khác trên thế giới nhìn thấy tiềm năng to lớn của thị trường ASEAN với 570 triệu người tiêu dùng đang tìm mọi cách để thâm nhập, nên nếu các nhà kinh doanh địa phương vẫn thờ ơ, có thể sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi và mất tỷ trọng thị trường khu vực.

Trong mấy năm qua, ASEAN đã tích cực thúc đẩy đầu tư nước ngoài và tiến hành một vài sáng kiến lớn. Ngoài việc thành lập khu vực tự do buôn bán, hiệp hội đang hướng đến thành lập một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.

Điều này thúc đẩy ASEAN không chỉ là một thị trường hợp nhất mà còn là một địa điểm đầu tư duy nhất.

Các công cụ như Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN và Hợp tác công nghiệp ASEAN đã được đưa ra để tạo điều kiện dễ dàng cho kinh doanh, cho phép các nhà kinh doanh giành được lợi thế về chuỗi giá trị sản xuất bên trong khu vực.

Tuy nhiên, khu vực này có một số yếu kém cố hữu cần sớm giải quyết, như sự phát triển không đồng đều giữa các nước thành viên, sự tập trung không đồng đều vào các khu vực chính như thương mại, đầu tư, kỹ thuật, an ninh.

Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên là quá trình hợp nhất kinh tế vẫn chậm và có nguy cơ không đáp ứng được so với thời gian biểu. Thất bại không tiến hành được các cuộc cải cách bên trong, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, là nguyên nhân chính đối với khu vực dễ bị tổn thương này.

Mối lo ngại về ổn định tiền tệ so với các đồng tiền quốc tế chủ chốt thường nổi lên, cơ bản do 80% thương mại của  khối là với bên ngoài khu vực, mặc dù vẫn tồn tại khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).

Mặt khác, xuất khẩu từ ASEAN thường vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ đang tăng lên của hàng hóa Trung Quốc trên các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, và đây cũng chính là mối lo ngại chính của các nhà hoạch định chính sách khu vực.

Tuy nhiên, ASEAN vẫn còn nhiều cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư và các nhà kinh doanh. Dịch vụ và các ngành công nghiệp như du lịch đang dẫn đầu các động lực phát triển./.

Minh Tuấn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục