ASEAN và dự án đồng tiền chung châu Á, liệu có thành hiện thực?

ASEAN đang phối hợp tiến tới thúc đẩy một hệ thống thanh toán cho hoạt động thương mại khu vực trong bối cảnh nền kinh tế số trở thành một động lực quan trọng tiếp theo cho tăng trưởng kinh tế.
ASEAN và dự án đồng tiền chung châu Á, liệu có thành hiện thực? ảnh 1(Nguồn: AFP)

Eastasiaforum.org/channelnewsasia.com đưa tin giữa lúc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bận rộn với những chương trình nghị sự nóng bỏng trong khuôn khổ các cuộc họp đang diễn ra ở Bangkok (Thái Lan), đã xuất hiện thông tin về việc khối này đang thúc đẩy thiết lập một cơ chế thanh toán chung cho các hoạt động thương mại khu vực.

Cách đây không lâu, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đề xuất một đồng tiền chung cho Đông Á.

Như vậy, hợp tác tài chính ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đã có những bước chuyển mình, dẫn đến nhu cầu có các phương tiện thanh toán chung.

Ý tưởng về hệ thống thanh toán chung ASEAN

Theo channelnewsasia, ASEAN đang phối hợp tiến tới thúc đẩy một hệ thống thanh toán cho hoạt động thương mại khu vực trong bối cảnh nền kinh tế số trở thành một động lực quan trọng tiếp theo cho tăng trưởng kinh tế.

Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi chia sẻ với channelnewsasia bên lề Diễn đàn Báo chí ASEAN lần thứ 3 ở Bangkok hôm 29/7: “Khi nền kinh tế số trở nên ngày càng quan trọng, ngày càng mạnh mẽ, tôi cho rằng việc có một cổng thanh toán (chung) đem lại lợi ích lớn hơn.”

[EU công bố kế hoạch tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN]

Ông Lim cũng nói rằng bộ trưởng tài chính 10 nước thành viên đang làm việc để tiến tới một hệ thống như vậy, song vẫn cần phải tháo gỡ một số khó khăn nhất định.

“Mỗi nước có những hệ thống và quy định riêng. Chúng ta cần đảm bảo những quy định đó giống nhau,” ông nói.

Đây là ý tưởng và kế hoạch cho ASEAN. Nhưng liệu điều này có trở thành hiện thực hay không và sẽ được “thai nghén” trong bao lâu lại là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ý tưởng về đồng tiền chung châu Á

Trong một bài viết trên trang mạng eastasiaforum.org với tựa đề liệu châu Á có cần một đồng tiền chung hay không, nhóm tác giả bài viết phân tích nghiêng về câu trả lời “Cần,” song nhận định cần có sự hội nhập kinh tế-tài chính sâu rộng hơn nữa cũng như sự đồng thuận của các nước tham gia.

Còn nhớ hồi tháng 5/2019, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng khu vực Đông Á cần “thông qua một đồng tiền giao dịch thương mại chung,” để có thể thanh toán giao dịch thương mại và có thể được định giá theo vàng.

Ý định của nhà lãnh đạo Malaysia là nhằm kiến tạo một loại tiền tệ thay thế đồng đô la như một đồng tiền mậu dịch trong thương mại và đầu tư khu vực.

Mahathir có tiếng về việc đề xuất một đồng tiền chung cho khu vực, nhất là trong thời kỳ hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Song liệu đề xuất của ông có khả thi hơn lúc này hơn là 20 năm trước đây hay không?

Sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh

Rõ ràng đồng USD là đồng tiền mậu dịch ở khu vực châu Á. Điều này không chỉ bởi thói quen lâu nay của khu vực này trong hoạt động thương mại quốc tế mà còn bởi Mỹ là một trong những điểm đến cuối cùng lớn nhất cho hàng hóa châu Á.

Sự phụ thuộc của khu vực vào đồng bạc xanh còn sâu sắc hơn mức độ quan hệ kinh tế của khu vực này với Mỹ.

Nhiều nền kinh tế thị trường đang nổi ở châu Á nắm giữ lượng lớn tài sản dự trữ bằng đồng USD như là phương tiện tự bảo hiểm trước nguy cơ bất ổn tài chính.

Tuy nhiên, với mức độ phụ thuộc vào đồng đô la như vậy, các nền kinh tế châu Á lại có nhiều nguy cơ chịu tác động của các cơn sốc tài chính do những thách thức trong chính sách kinh tế và các điều kiện kinh tế của Mỹ.

Như nhà kinh tế học người Pháp Helen Rey nói rằng những nền kinh tế này chịu tác động của “các chu kỳ tài chính toàn cầu” trong dòng lưu thông tài chính, giá tài sản và tăng trưởng tín dụng.

Một cách hiệu quả để châu Á vượt qua được nguy hiểm tài chính do USD gây ra là thông qua một đồng tiền chung, giống như đồng euro của Liên minh châu Âu (EU).

Đồng tiền chung euro đã thúc đẩy thương mại và đầu tư khu vực đồng thời giúp phát triển thị trường chung châu Âu.

Kể từ khi thông qua đồng tiền này năm 1999, châu Âu đã được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa.

Đồng euro cũng giúp khu vực vượt qua được những hiệu ứng lan tỏa từ các nền kinh tế chủ chốt.

Điều kiện để đồng tiền chung châu Á ra đời

Tất nhiên, đồng euro không phải được thiết lập chỉ trong một ngày và sẽ phải mất vài chục năm để châu Á thiết lập được một đồng tiền chung.

Châu Á cần thiết lập một cơ quan có thẩm quyền phát hành đồng tiền chung này và phát hành trái phiếu có mệnh giá theo đồng tiền chung.

Điều này đòi hỏi cấp độ hợp tác và hội nhập tài chính lớn hơn trong khu vực, sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô lớn hơn và các thể chế tài chính khu vực cần có chức năng giám sát chung.

[Quan hệ ASEAN-Mỹ đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực]

Tóm lại, một tầm nhìn chung cho sự hội nhập tài chính tương lai và sự đồng thuận chính trị giữa các nước thành viên đóng vai trò hết sức quan trọng.

Với tiền bộ gần đây trong hội nhập kinh tế khu vực Đông Á, việc thông qua một đồng tiền chung có thể dễ thực hiện hơn 20 năm trước đây.

Nếu đồng tiền chung như ông Mahathir đề xuất có thể được sử dụng không chỉ cho trao đổi hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới mà còn cho trao đổi tài sản tài chính thì đồng tiền này có thể đóng vai trò là phương tiện để đảm bảo các khoản vay nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra ở bất kỳ nước thành viên nào.

Điều này sẽ giúp giảm nhẹ sự phụ thuộc quá mức của Đông Á vào đồng bạc xanh và giảm nhẹ gánh nặng cho Mỹ với tư cách là nhà cho vay cuối cùng được tìm đến.

Khi đó, các nước thành viên của đồng tiền chung mới này có thể chọn định giá đồng nội tệ của mình theo đồng tiền chung mới này hoặc coi đồng tiền chung này là đồng nội tệ.

Mục tiêu sau cùng của việc đưa ra đồng tiền chung này không chỉ để thúc đẩy giao dịch tài chính và thương mại khu vực còn mà để đảm bảo sự ổn định tài chính và kinh tế trong khu vực.

Đồng tiền chung này cũng sẽ góp phần thiết lập một khuôn khổ mang tính thể chế để đối phó với những bất ổn tài chính.

Ví dụ, khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công, khu vực đồng tiền chung euro đã nhanh chóng thiết lập các thể chế như Cơ chế Ổn định châu Âu để sẵn sàng hỗ trợ vấn đề thanh khoản và do đó giúp kiểm soát khủng hoảng tài chính khu vực.

Các nước Đông Á có thể chưa có đủ động lực đáng kể để tiến tới việc thành lập một đồng tiền chung khu vực. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào đồng USD lại không có lợi cho Đông Á trong tương lai.

Sở hữu đồng tiền chung có thể giúp Đông Á giải quyết bất ổn tài chính một cách hiệu quả và mau lẹ vốn đem lại lợi ích không chỉ đối với châu Á mà còn đối với nền kinh tế thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục