Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) 13 với chủ đề “Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung” do Campuchia chủ trì theo hình thức trực tuyến đã kết thúc tối 26/11.
Hội nghị đã thông qua 3 văn kiện chính là Tuyên bố Chủ tịch ASEM-13, Tuyên bố Phnom Penh về phục hồi kinh tế-xã hội hậu COVID-19, Chính sách thúc đẩy kết nối Á-Âu.
Trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng và phức tạp với những yếu tố và xu hướng mới ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế, đặc biệt là sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, ASEM đang ngày càng phát huy vai trò không thể thiếu giúp tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các quốc gia thành viên hai châu lục nhằm đối phó với thách thức chung hiện nay.
[Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác ASEM]
Nhiều nước châu Âu và châu Á trong thời gian qua đã tích cực chia sẻ vaccine, tăng cường hợp tác trong việc phát triển sản xuất cũng như chuyển giao công nghệ vaccine và đây là những tín hiệu đáng mừng, góp phần tiếp thêm động lực cho cuộc chiến gian nan chống COVID-19, từ đó củng cố niềm tin vào tương lai phục hồi sau đại dịch.
Trong 10 tháng đầu năm nay, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã xuất khẩu và cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 ra toàn thế giới, trong đó có nhiều nước châu Á. EU cũng vừa cam kết sẽ tặng thêm 500 triệu liệu vaccine cho các nước dễ bị tổn thương.
Trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEM đã thảo luận về các giải pháp ứng phó dịch bệnh, sớm phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng.
Hội nghị đã đưa ra giải pháp cụ thể trong ứng phó dịch bệnh như tạo thuận lợi cho lưu thông các mặt hàng thiết yếu và tiếp cận vaccine kịp thời, chuyển giao công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất vaccine.
Bên cạnh các giải pháp kinh tế vĩ mô, duy trì chuỗi cung ứng bền vững, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các nhà lãnh đạo ASEM đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường kết nối Á-Âu, coi đây là một trọng tâm hợp tác của ASEM trong giai đoạn tới; nhất trí thúc đẩy kết nối toàn diện cả về hạ tầng, thể chế và con người.
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có, sức ép phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng ngày càng cấp thiết, sự phối hợp chính sách và hành động của những cơ chế hợp tác đa phương quy mô lớn như ASEM được đánh giá là hết sức cần thiết.
Thông điệp hợp tác cùng vượt qua thách thức đã được các nhà lãnh đạo nêu bật tại hội nghị.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động chưa từng có đối với cuộc sống của con người và nền kinh tế-xã hội các nước thành viên ASEM.
Để giải quyết những thách thức này, các nhà lãnh đạo ASEM nhất trí rằng đoàn kết, hợp tác quốc tế và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương chính là chìa khóa dẫn tới thành công.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh trong 25 năm qua, ASEM đã giúp châu Âu giải quyết một số thách thức lớn và trong những năm tới, mối quan hệ hợp tác giữa hai châu lục sẽ còn quan trọng hơn nữa, đặc biệt trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Bà Leyen cũng kêu gọi xây dựng một thế giới bền vững, bình đẳng hơn và cần tăng cường chủ nghĩa đa phương vì châu Á và châu Âu được kết nối chặt chẽ và có tầm quan trọng rất lớn trên thế giới.
Bà khẳng định Hội nghị cấp cao ASEM 13 là cơ hội để tăng cường hợp tác về các vấn đề quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh của cả hai khu vực.
Bày tỏ tin tưởng chủ nghĩa đa phương là chìa khóa để vượt qua khủng hoảng toàn cầu, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh hợp tác đa phương cần hữu hình trên cơ sở chia sẻ lợi ích giữa các thành viên ASEM, thúc đẩy nguyên tắc bình đẳng, tin cậy, tôn trọng và cùng có lợi.
Ông Prayut cũng đề xuất nguyên tắc “5P” (người dân, đối tác, hòa bình, thịnh vượng và Trái Đất) phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2030 mà ASEM cần coi trọng.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob bày tỏ mong muốn các quốc gia phát triển ủng hộ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, cũng như chuyển giao công nghệ cho các nước đối tác ASEM đang phát triển nhằm thúc đẩy quá trình phát triển xanh và bền vững.
Chia sẻ quan điểm này, Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu đã đưa ra 4 lĩnh vực quan trọng đối với hợp tác kinh tế quốc tế, đó là chuỗi cung ứng linh hoạt và đáng tin cậy, an ninh y tế, kỹ thuật số để phát triển và phục hồi xanh và bền vững; đồng thời tái khẳng định cam kết của Ấn Độ trong việc hướng tới tăng cường hợp tác đa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định các thách thức như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số và an ninh an toàn mạng là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và tác động tới mọi người, đồng thời kêu gọi các quốc gia Á-Âu tăng cường hợp tác với 4 đề xuất.
Thứ nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nước đoàn kết, chung tay hợp tác trên cơ sở lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm, là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển và giải quyết, khắc phục các vấn đề mang tính toàn cầu.
Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cao hợp tác, chia sẻ và tiếp cận bình đẳng trong sản xuất, phân bổ thuốc chữa bệnh, vaccine ngừa COVID-19 nhằm ứng phó với đại dịch.
Đề xuất thứ ba là các nước phát triển cần giúp đỡ các quốc gia đang phát triển có năng lực đối phó với các vấn đề toàn cầu, như có cơ chế huy động tài chính phù hợp, đủ lớn, kịp thời để chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh.
Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển và các nước nghèo, thúc đẩy tăng cường hợp tác công-tư để huy động nguồn lực cho sự phát triển.
Có thể nói tinh thần đối thoại, phối hợp chính sách và hành động, kết nối hợp tác vì lợi ích chung đã thể hiện rõ tại Hội nghị cấp cao ASEM 13, tiếp tục góp phần đưa quan hệ đối tác Á-Âu ngày càng gắn kết và năng động.
ASEM rõ ràng không chỉ là một diễn đàn được tạo ra nhằm chia sẻ, tăng cường hiểu biết lẫn nhau mà còn có những hành động cụ thể đối với các cuộc khủng hoảng và thách thức chung của hai khu vực./.