Phần lõi trong cùng của Trái Đất có khả năng là một quả cầu sắt có bán kính khoảng 650km. Đây là kết quả của một nghiên cứu công bố ngày 22/2 tại Australia.
Trong nghiên cứu, một nhóm nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã phân tích cách thức những cơn sóng địa chấn sinh ra từ các trận động đất lan truyền qua lớp lõi Trái Đất, làm sáng tỏ những phần sâu thẳm nhất bên trong hành tinh.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các sóng địa chấn truyền trực tiếp qua lõi Trái Đất đến phía đối diện của địa cầu - nơi các trận động đất được kích hoạt, trước khi dội trở lại.
[Tiết lộ âm thanh đáng sợ thu được từ lưới từ trường Trái Đất]
Lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy sóng địa chấn dội lại dọc theo đường kính Trái Đất 5 lần, cho thấy Trái Đất có 5 lớp cấu trúc riêng biệt chứ không phải 4 lớp như hiểu biết trước đây.
Đồng tác giả của báo cáo, nhà khoa học Thanh-Son Pham tại Trường Nghiên cứu Khoa học Trái Đất thuộc ANU, cho biết nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng củng cố giả thuyết đưa ra cách đây khoảng 20 năm rằng có một quả cầu kim loại nằm bên trong lớp lõi trong cùng của Trái Đất.
Ông khẳng định phát hiện này rất thú vị, mở đường cho phương pháp mới thăm dò bên trong Trái Đất và phần lõi trong cùng của Trái Đất.
Trong khi đó, tác giả Hrvoje Tkalcic cho rằng việc nghiên cứu sâu bên trong Trái Đất có thể giúp cung cấp thêm sự hiểu biết về lịch sử Trái Đất và giải mã bí ẩn về sự hình thành của "hành tinh xanh"./.