Bộ trưởng Tài nguyên Australia Matt Canavan ngày 13/10 thông báo Australia và Mỹ sẽ ban hành chiến lược chung về đất hiếm và các khoáng sản khác có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong vài tuần tới, hai nước sẽ hoàn tất kế hoạch hành động chung về cung cấp đất hiếm và các khoáng chất thiết yếu khác được dùng trong các thiết bị như pin sạc, hệ thống dẫn đường vũ khí và điện thoại di động, trong nỗ lực nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường này.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, đã có những lo ngại về việc Bắc Kinh có thể tìm cách hạn chế nguồn cung cấp đất hiếm và khoáng sản quan trọng trên thế giới khi nước này chiếm tới 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu trong năm ngoái và đang tìm cách bảo vệ vị thế thống trị thị trường của mình.
Theo ông Canavan, những nguyên tố đất hiếm rất quan trọng đối với nền kinh tế hiện đại, do vậy sự tập trung quá mức của thị trường này có thể gây rủi ro đối với an ninh và việc cung cấp các khoáng sản này.
[Australia muốn trở thành nhà cung cấp đất hiếm cho các đồng minh]
Ông Canavan cho biết với một ngành công nghiệp khoáng sản phát triển và có tới 14 trong số 35 đất hiếm được coi là quan trọng đối với Mỹ, Australia sẽ nỗ lực hết sức để tham gia thị trường.
Ông nhấn mạnh thêm là đã nêu vấn đề khai thác và sử dụng đất hiếm trong chuyến thăm gần đây tới Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp các khoáng sản quan trọng này.
Australia hiện sở hữu 40% trữ lượng (đã được kiểm chứng) các kim loại quan trọng như lithium, cobalt, nickel, than chì.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu đất hiếm của nước này sang Mỹ trong tháng Sáu vừa qua đã giảm 3,9% so với tháng trước đó, chỉ đạt khoảng 414 tấn.
Hiện Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm trên toàn cầu, trong khi Mỹ nhập hơn 80% đất hiếm mỗi năm từ Trung Quốc./.