Ngày 25/4, Bệnh viện Bà Rịa cho biết đã cấp cứu thành công trường hợp nhập viện do bị chó nhà nuôi cắn với đa vết thương phần mềm phức tạp vùng cánh tay, 2 cẳng tay, đa vết thương phức tạp vùng lưng, mông, đùi phải và cẳng chân phải, xuất huyết gây nguy hiểm tính mạng.
Theo hồ sơ bệnh án, ngày 22/4, bệnh nhân H.T.N (nữ, sinh năm 1965, ngụ xã Hàm Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đang cắt rau tại vườn thì bất ngờ bị chó nuôi của chính gia đình mình tấn công.
Bà H.T.N đã bị con chó này cắn nhiều phát vào các vùng trên cơ thể, gây ra đa vết thương phần mềm phức tạp ở 2 tay, lưng, mông, đùi phải và cẳng chân phải, làm chảy nhiều máu, được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại đây, sau khi được sơ cứu cầm máu vết thương, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau, truyền dịch, thở oxy..., bà đã được chuyển viện đến Bệnh viện Bà Rịa điều trị.
Lúc nhập viện, nạn nhân trong tình trạng bệnh tỉnh, da xanh, niêm mạc nhợt, khó thở, yếu mệt, các vết thương chảy máu thấm qua băng, mạch nhanh, huyết áp tụt dần.
[Bình Phước: Một bé trai 8 tuổi bị chó Pitbull cắn tử vong]
Nhận định đây là trường hợp bị chó cắn với đa vết thương phần mềm tác động trên nhiều vùng cơ thể rất nặng khiến nạn nhân mất máu nhiều, dễ dẫn đến tình trạng choáng (do đau, mất máu) và có khả năng tử vong cao nên sau khi tiến hành các bước cần thiết, nạn nhân được đưa đi mổ cấp cứu.
Quá trình mổ thám sát cho thấy, trên cơ thể nạn nhân có rất nhiều vết thương chằng chịt, mô mềm đứt dập... Các vết thương còn đi kèm nhiều dị vật (đất cát).
Các y, bác sỹ đã xử lý các mạch máu bị tổn thương, cắt lọc và làm sạch mô mềm bị dập nát, khâu phục hồi tổn thương; đồng thời truyền cho nạn nhân hơn 10 đơn vị máu.
Hiện, nạn nhân H.T.N đã tạm ổn định, đang tiếp tục điều trị và theo dõi tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình. Dự kiến nếu phục hồi tốt, nạn nhân có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Qua trường hợp trên, Bệnh viện Bà Rịa khuyến cáo người dân khi bị động vật tấn công gây thương tích cần sơ cấp cứu đúng cách và kịp thời đến các cơ sở y tế thăm khám sớm nhằm tránh tình trạng mất máu nhiều, ảnh hưởng đến tính mạng.
Đồng thời, người dân chú ý phòng ngừa bệnh dại tăng cao, nhất là trong mùa nắng nóng như hiện nay tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Vật nuôi khi được đưa ra nơi công cộng cần đeo rọ mõm cẩn thận và luôn có người dẫn dắt./.