Phiên xét xử ngày 12/10 theo dự kiến tại Tòa đại hình ở Evry (ngoại ô Paris) về vụ kiện của bà Trần Tố Nga, chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, phải dời sang ngày 25/1/2021 vì lý do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một cuộc họp báo ủng hộ vụ kiện diễn ra sáng 12/10 tại trụ sở của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) ở Paris, tập hợp đông đảo những người bạn đã sát cánh bên bà Tố Nga trong suốt cuộc đấu tranh pháp lý cam go hơn 10 năm qua.
Một ngày trước đó, tổ chức Collectif Vietnam-Dioxin tại Paris đã phát động phong trào ủng hộ trực tuyến trên các mạng xã hội.
[Dấu ấn phóng viên TTXGP trong cuộc đấu tranh vì các nạn nhân dioxin]
Bà Tố Nga khẳng định: "Hơn lúc nào hết, vụ kiện của Trần Tố Nga cần đến sự chung tay, góp sức của mỗi người trong chúng ta, vì dù vụ kiện có mang tên của một người thì đây vẫn là cuộc chiến đấu vì công lý cho những người bất hạnh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin."
Vào tháng 5/2009, bà Tố Nga đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ở Paris. Cũng từ đó, với sự đồng hành của luật sư William Bourdon và nhà văn André Bouny, Chủ tịch Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ đã làm bà, con cháu cùng hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc hóa học.
Trước đó, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) chống lại 37 công ty hóa chất Mỹ.
Bà Tố Nga hiểu rằng lúc bấy giờ, bà là trường hợp duy nhất có thể khởi kiện và là cơ may cuối cùng cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, "vì tôi hội đủ 3 điều kiện: là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật cho phép luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình, và là nạn nhân chất độc dioxin."
Hành trình gian nan bắt đầu. Từ 2009-2011, hai năm để thuyết phục, hai năm để xóa nghi ngờ, hai năm chịu đựng nhiều hiểu lầm để đạt được sự đồng thuận. Bà Tố Nga nhớ lại: "Cuối cùng tôi mừng phát khóc khi cầm tờ kết quả xét nghiệm chỉ ra rằng nồng độ dioxin trong máu của tôi cao hơn tiêu chuẩn quy định." Vậy là bà có thể khởi kiện.
2011-2013, thêm 2 năm chờ đợi cho bộ luật của Pháp quay trở lại cho phép các vụ kiện quốc tế.
Vào tháng 3/2013, khi được phép kiện, bà Tố Nga gặp khó khăn lớn vì hồ sơ 30 trang, bắt đầu nghiên cứu từ 2009 đã hoàn chỉnh, cần có 36.000 euro để được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh có công chứng quốc tế.
Chính lúc này, bà Tố Nga đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính một cách cảm động không ngờ. Chỉ trong vòng một tuần, các bạn Pháp và Việt kiều đã gửi về Văn phòng luật sư số tiền 16.000 euro. VAVA đã cứu nguy khi ủng hộ phần còn lại.
Tháng 5/2013, Tòa đại hình Evry đã chấp thuận đơn của bà Tố Nga khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ.
Tháng 4/2014, bà nhận được thông báo Tòa mở phiên đầu tiên với danh sách hầu tòa của 19 công ty chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, những công ty chưa một lần ra trước bất cứ tòa án nào ở nhiều nước.
Sáu năm trôi qua với 19 phiên thủ tục, bà Tố Nga đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại do phía bị đơn gây ra, cũng như những căn bệnh hiểm nghèo.
Sự kiện mong đợi cũng thực sự bắt đầu khi vào ngày 29/6 vừa qua, thẩm phán phiên thủ tục thứ 19 đã quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12/10.
Tuy sự kiện này bị dời đến ngày 25/1/2021, song mỗi phiên tòa là một bước tiến của những người ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Từ một người đơn lẻ, đến nay bà Tố Nga đã có hàng chục nghìn người từ nhiều nước trên thế giới làm bạn đồng hành, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi sinh ra sau chiến tranh Việt Nam.
Bà tâm sự: "Điều đó không cho phép tôi nản lòng, sờn chí dù chỉ một phút. Nản sao được khi trước mắt tôi luôn hiện hình ảnh các nạn nhân da cam, ánh mắt hy vọng, trông đợi của họ."
Cuộc tranh đấu gian nan của bà Tố Nga, nay đã 78 tuổi và mang trong mình nhiều căn bệnh do hậu quả của chất độc da cam/dioxin, chưa biết sẽ kết thúc lúc nào và như thế nào.
Nhưng đối với bà, đây là cuộc chiến cuối cùng vì công lý cho gần 5 triệu nạn nhân dioxin Việt Nam, là cơ may cuối cùng để cho thảm họa da cam không bị rơi vào quên lãng./.