Để tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh đang gặp phải, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra các dự án điện gió tuyến biển (thuộc vùng Nam Quốc lộ 1A).
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, với cả 3 dự án Hòa Bình 1-giai đoạn 1, Hòa Bình 1-giai đoạn 2 và Hòa Bình 2 (dự án điện gió trên biển) đều được đấu nối vào lưới điện quốc gia thông qua tuyến đường dây 110kV Hòa Bình-Đông Hải và Hòa Bình-Bạc Liêu 2 do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng 2 tuyến đường dây này có nguy cơ bị chậm và không hoàn thành kịp thời với tiến độ nối lưới 3 dự án đặc biệt là dự án Điện gió Hòa Bình 1-giai đoạn 1 có kế hoạch đóng điện vào quý 2/2021.
Tại vị trí nối lưới, Trạm biến áp 110 kV Hòa Bình nếu triển khai xây dựng không kịp tiến độ đồng bộ với tiến độ của xây dựng dự án sẽ gây khó khăn khi nhà máy được xây dựng hoàn thành nhưng không thể nối lưới.
Dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải 1-giai đoạn 2 (dự án điện gió trên biển) do Công ty cổ phần Năng lượng Bắc Phương làm chủ đầu tư đang được nối vào lưới điện quốc gia thông qua tuyến đường dây 110kV Hòa Bình-Đông Hải và Hòa Bình-Bạc Liêu 2 do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng 2 tuyến đường dây này có nguy cơ bị chậm. Tỉnh đang nghiên cứu hỗ trợ và có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổng Công ty Điện lực Miền Nam gấp rút triển khai thi công, hoàn thành đóng điện tuyến đường dây lộ ra 110 kV Giá Rai-Đông Hải và tuyến dây 110 kV Hòa Bình-Bạc Liêu 2 trước ngày 30/9/2021 để đảm bảo truyền tải điện các nhà máy điện gió trong khu vực.
[Trao quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án điện gió tại Tiền Giang]
Đối với các dự án điện gió trên đất liền như dự án Nhà máy điện gió KoSy-Bạc Liêu giai đoạn 1 và dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 5-giai đoạn 1, khó khăn nhất là việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng, trong khi hạ tầng của khu vực dự án lại không đảm bảo.
Ngoài ra, việc liên hệ thuê cảng Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) để trung chuyển thiết bị cũng chưa được nên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, hiện nay các dự án điện gió trên địa bàn đều đang khẩn trương thi công đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, có hai dự án đang gặp khó khăn về việc vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng; trong đó, dự án Nhà máy Điện gió KoSy đã hoàn thành đường giao thông với chiều dài 4,5km, hoàn thành đào khuôn đường cho toàn tuyến, đã hoàn thành san nền khu vực nhà điều hành, khu vực trạm biến áp.
Nhưng hiện dự án chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận về phương án vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng trên đường bộ (từ cảng Nhà Mát đến khu vực thi công dự án). Đồng thời, chưa được chấp thuận của cơ quan chủ quản bến cập tàu Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu) về việc cho thuê/sử dụng trong quá trình trung chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng.
Với dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 5-giai đoạn 1, nhà đầu tư cũng gặp phải khó khăn trong việc vận chuyển, do giới hạn tổng tải trọng của phương tiện vận chuyển không vượt quá 16 tấn, tuyến đường bê tông tải trọng cho phép lưu thông là 8 tấn, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công.
Bên cạnh đó, các đường tạm chưa được gia cố và không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bạc Liêu cho biết, do cơ sở hạ tầng của tỉnh còn hạn chế, tuyến Giồng Nhãn-Gành Hào hiện đi vào tải trọng đường chỉ thiết kế 10 tấn và cầu tối đa là 30 tấn, nhưng vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng tối thiểu là 60 tấn và tối đa là 160 tấn thì không thể nào đáp ứng được.
Sở Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan cùng với địa phương và nhà đầu tư tiến hành khảo sát các phương án vận chuyển. Sau đó, có thống nhất nạo vét kênh phù hợp để phương tiện cập vào đê biển và vận chuyển trên tuyến đường nội bộ của từng đơn vị thi công.
Dự án nhà máy điện gió Hòa Bình 2 cũng gặp vướng mắc về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ; phương án đền bù hỗ trợ đến bãi nghêu của các hộ dân của hợp tác xã Đồng Tiến chưa được thống nhất và hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và hợp tác xã.
Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho rằng, trong quá trình triển khai dự án, chưa lường hết được những khó khăn do các dự án phải làm nhanh để kịp thời gian ưu đãi về giá. Chưa kể, các nhà đầu tư cũng phải chạy đua với thời gian để kịp hòa vào lưới điện quốc gia bởi trong năm 2021.
Do vậy, đây là áp lực rất lớn đối với các nhà đầu tư; tạo nên áp lực rất lớn đến các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tằng để phục vụ cho các thiết bị siêu trường siêu trọng, cùng nhiều vấn đề phát sinh khác.
Do đó yêu cầu các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất, khó đến đâu, gỡ đến đó.
Đối với các trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không chịu di dời và bàn giao mặt bằng, nếu đã thực hiện hết các chính sách, các giải pháp tuyên truyền, vận động không được thì bắt buộc cưỡng chế, bảo vệ thi công.
Đối với các sở, ngành, có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời Ủy ban Nhân dân tỉnh để có ý kiến chỉ đạo xử lý về việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường truyền tải điện, việc vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng...
Với lợi thế có bờ biển dài 56km, bãi bồi rộng, bằng phẳng, vùng ven biển có gió mạnh, khá ổn định, điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng, ít bị ảnh hưởng các yếu tố thời tiết cực đoan, Bạc Liêu được xác định là một trong những tỉnh có tiềm năng để phát triển năng lượng gió.
Tỉnh Bạc Liêu đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đã khởi công, cấp chủ trương và giấy phép đầu tư cho nhiều dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí.
Trong đó, Nhà máy điện gió Bạc Liêu quy mô công suất 99,2MW đang hoạt động ổn định, với tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới dự kiến đạt trên 1,2 tỷKWh vào cuối năm 2020.
Đồng thời, tỉnh đang triển khai thi công 9 dự án điện gió với tổng công suất 562MW, đang kiến nghị xin bổ sung thêm 2 dự án điện gió với tổng công suất 200MW vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh... Còn lại đề nghị đưa vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện là 9.140,6MW để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo./.<