Ngày 23/4 (tức Rằm tháng Ba Âm lịch), phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn tổ chức khai hội Đền Đô truyền thống Xuân Giáp Thìn-2024, kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Thái Tổ đăng quang ngôi Hoàng đế.
Năm nay, Lễ hội Đền Đô được tổ chức quy mô lớn với phần lễ trang nghiêm, phần hội tưng bừng. Điểm nhấn phần lễ là đoàn rước kiệu Đức Thánh Mẫu và các kiệu vua triều Lý theo nghi thức truyền thống từ chùa Ứng Tâm (chùa Dận) về Đền Đô với sự tham gia của hơn 1.500 người.
Phần hội tưng bừng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như chương trình Giao lưu văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc; hát dân ca quan họ trên thuyền, trong lán; thi cờ tướng, tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi nam, bóng bàn, đấu vật, đập niêu đất, bịt mắt bắt lợn, đi cầu khỉ; thi gói bánh phu thê, thi nấu cơm niêu đất; giao lưu thơ ca, thể dục dưỡng sinh; thả chim bồ câu bay, bắn pháo hoa…
Theo bà Cao Thị Hồng Liên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Đình Bảng, Trưởng Ban tổ chức, Lễ hội truyền thống đền Đô được tổ chức hằng năm, từ ngày 14 đến hết ngày 16/3 Âm lịch.
Để lễ hội diễn ra thuận lợi, an toàn, năm nay, phường Đình Bảng đã sớm thành lập Ban tổ chức, các tiểu ban và phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng tiểu ban. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, bố trí không gian tổ chức các trò chơi.
Cùng với đó, Ban tổ chức yêu cầu các cơ sở, hộ kinh doanh buôn bán tại khu vực lễ hội ký cam kết bán đúng giá, đúng chất lượng, thực hiện văn hóa ứng xử, không chèo kéo khách hàng nhằm tạo hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi về trẩy hội Đền Đô cũng như về với quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Lễ hội Đền Đô là một trong những lễ hội lớn nhất ở Bắc Ninh, được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của vua Lý Công Uẩn, người khai mở vương triều Lý, phát triển văn minh Đại Việt; đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý "uống nước nhớ nguồn," tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Đền Đô cũng là nơi tập trung tư tưởng, tâm lý của nhân dân với lòng thành kính những bậc có công với nước, đáp ứng nhu cầu của con người trở về với cội nguồn, hòa mình với thiên nhiên, tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc./.