Đến với hòn đảo xa bờ nhất Vịnh Bắc Bộ - Bạch Long Vĩ, Hải Phòng không có sự lựa chọn nào khác ngoài lênh đênh trên con tàu vượt sóng từ 5 đến 6 giờ đồng hồ.
Dù là lần đầu tiên hay nhiều hơn thế khi chạm chân lên hòn đảo này, tất cả đều có chung một cảm xúc mạnh mẽ về cảnh vật nguyên sơ, về khí chất của quân và dân trên đảo và sự trường tồn vĩnh cửu với thời gian của đảo nhỏ giữa trùng khơi.
"Con đường trên biển" - nối đảo gần hơn với đất liền
Tàu khách mang tên Hoa Phượng đỏ được mọi người ví như "con đường trên biển."
Tàu chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 7/2020. Tàu có sức chứa 200 hành khách, vùng hoạt động là biển nội địa trong điều kiện sóng cấp 6, cấp 7 và gió cấp 8, cấp 9; thời gian đi từ đất liền ra đảo và ngược lại mất khoảng 5 giờ.
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bạch Long Vĩ Trần Quang Tường, Bạch Long Vĩ là một trong hai huyện đảo của Hải Phòng, với vị trí là đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ, nằm trên một trong tám ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển.
[Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân huyện đảo Bạch Long Vĩ]
Tại Nghị quyết 32 và kết luận 72 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước," trong đó đã xác định xây dựng Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.
Với vị trí và tầm quan trọng của huyện đảo, trong những năm qua Bạch Long Vĩ đã được Trung ương và thành phố Hải Phòng quan tâm chỉ đạo sát sao, được đầu tư khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Điều đó đã góp phần thay đổi diện mạo của huyện đảo, kinh tế-xã hội không ngừng phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang và động bộ, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, quân và dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó huyện đảo vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn mang tính đặc thù của huyện đảo từ ngày thành lập (9/12/1992) đến nay, đó là giao thông đi lại giữa đảo và đất liền.
Với phương tiện tàu thủy nhỏ, chở được ít người, lại không chịu được sóng gió lớn nên việc đi lại của cán bộ, quân và dân huyện đảo rất vất vả, thiếu chủ động và không đáp ứng được nhu cầu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm kìm hãm sự phát triển của Bạch Long Vĩ.
Trước nhu cầu bức thiết về giao thông đi lại giữa đảo và đất liền đối với cán bộ, quân và dân huyện đảo, nhân chuyến công tác của lãnh đạo Quốc hội (khi đó là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng) đã nhất trí về chủ trương và đề nghị Chính phủ cho triển khai dự án đóng tàu thủy chở khách cho huyện đảo.
Được sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ, cùng với chủ trương chung của thành phố là "hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông với chất lượng tốt nhất, cả về đường bộ, đường hàng không và đường biển," Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vĩ lập và đưa vào triển khai dự án "Đóng mới tầu thủy chở khách và hàng hóa ra đảo Bạch Long Vĩ."
Cũng với ý nghĩa về con tàu nối liền giữa huyện đảo tiền tiêu với đất liền, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã thống nhất đặt tên con tàu là Hoa phượng đỏ. Hoa phượng đỏ còn là một biểu trưng của thành phố, là hình ảnh của thành phố Hoa phương đỏ đang vươn mình ra biển lớn...
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bạch Long Vĩ Trần Quang Tường cho biết trước đây, phương tiện từ đất liền ra đảo và ngược lại chủ yếu dựa vào con tàu Bạch Long Vĩ, sức chở gần 80 người, vận tốc đối đa 24 hải lý/giờ do Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng quản lý và khai thác. Hành trình từ đất liền ra đảo phải từ 6 đến 9 tiếng tàu mới cập được âu cảng Bạch Long Vĩ.
Từ khi đưa vào vận hành tàu Hoa phượng đỏ đã rút ngắn khoảng cách giữa đất liền với huyện đảo, đồng thời góp phần đẩy nhanh lộ trình phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa huyện đảo Bạch Long Vĩ trở thành một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường Vịnh Bắc Bộ.
Đảo nhỏ trường tồn vĩnh cửu giữa trùng khơi
Trong hành trình "Hướng về biển đảo quê hương" vào trung tuần tháng Tư vừa qua của đoàn Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng, nhà báo Lê Nhung (Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng) lần đầu tiên "chạm đảo."
Cô chia sẻ: "Tôi công tác trong ngành báo chí đã hơn 15 năm qua nhưng thật sự cảm thấy hồi hộp và lo lắng khi nhận nhiệm vụ công tác tại huyện đảo Bạch Long Vĩ cùng Hội Nhà báo thành phố. Bởi tôi được nghe nói rằng "đặc sản" của Bạch Long Vĩ là say sóng, không sóng điện thoại, không wifi… nhưng tôi vẫn quyết tâm lên đường với tâm thế háo hức, phấn khởi vì lần đầu tiên được ra đảo tiền tiêu của Tổ quốc."
Lần đầu tiên đặt chân lên con tàu Hoa phượng đỏ với tiện nghi đầy đủ. Lần đầu tiên không có cảm giác say sóng sau 6 tiếng lênh đênh trên biển.
Và lần đầu tiên được ngắm nhìn hòn đảo xinh đẹp với cát trắng mịn và nước biển xanh ngắt một màu, nhà báo Lê Nhung cảm nhận Bạch Long Vĩ đẹp hoang sơ, bình dị nhưng vô cùng cuốn hút ngay từ âu cảng.
Được lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo huyện đảo khi đoàn công tác đến thăm, mới thấy được sự khó khăn, thiếu thốn của người dân đang sinh sống trên hòn đảo chưa đầy 3km vuông này.
Nếu coi dòng điện sáng và những giọt nước ngọt là những thứ thân thuộc với đất liền, thì với người dân huyện đảo những thứ ấy mới có trên đảo cách đây không lâu.
Với nhà báo Lê Nhung, có quá nhiều thứ để nhớ, để thương khi lần đầu tiên được công tác tại đảo Bạch Long Vĩ.
Điều khiến Lê Nhung ấn tượng là nụ cười thân thiện, mến khách của ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bạch Long Vĩ và sự đón tiếp ân cần chu đáo của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo. Và không thể nào quên nụ cười ngây thơ và ánh mắt hồn nhiên của những cô, cậu bé khi được dùng thử bộ thể thao ngoài trời do đoàn công tác trao tặng.
Còn anh Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng chi nhánh 7 Câu lạc bộ ảnh báo chí - Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam, cảm thấy rất thú vị và khác biệt khi tác nghiệp nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Sự hy sinh thầm lặng của những người con xa gia đình, xa người thân để bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương; những bước chân mạnh mẽ, vững chãi trên đường tuần tra, hay chỉ là từ hạt cát, lá cây, ngọn cỏ cùng câu chuyện về thiếu nước ngọt, điều kiện sinh hoạt còn hạn chế, hay thời tiết khắc nghiệt làm giảm tuổi thọ của các thiết bị, đồ dùng trong sinh hoạt rất nhiều... tất cả đều là nguồn cảm hứng sáng tác, thu vào ống kính của các nghệ sỹ nhiếp ảnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng Nguyễn Anh Tú cho biết hành trình "Hướng về biển đảo quê hương" trao tặng các ấn phẩm báo Xuân Tân Sửu 2021 của các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương (trong đó có các ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam) cùng nhiều vật dụng khác, là món quà tinh thần của những người làm báo và các hội viên Hội Nhà báo thành phố gửi gắm tình cảm, niềm tin, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo...
Bạch Long Vĩ đang đổi thay từng ngày với nhiều công trình, dự án đã và đang triển khai.
Bạch Long Vĩ những ngày tháng Tư này rực rỡ cờ hoa chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đảo nhỏ có ý nghĩa thiêng liêng, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Với những thế hệ quân, dân bất khuất, kiên cường trên đảo đã trở thành ngọn nguồn sức mạnh, tiếp sức cho tất cả chúng ta thêm yêu, thêm tin, cùng nhau dựng xây, giữ vững "tượng đài" Bạch Long Vĩ trường tồn vĩnh cửu giữa trùng khơi./.