Một lần “lỡ” nghe hát ca trù mà người phụ nữ ấy lên cơn say, bỏ tất cả để lao vào con đường vừa khó vừa khổ vừa cô độc. Sau ba mươi năm đẵng đẵng theo đuổi nghiệp đàn, hát, chị nổi danh là ca nương hàng đầu đất Hà thành.
Người phụ nữ có gương mặt không son, không phấn với đôi mắt tươi tắn, nụ cười luôn rạng rỡ ấy là Lê Thị Bạch Vân.
* Duyên tiền định
“Tôi vốn được nuôi dạy trong một gia đình mang đậm tinh thần Nho giáo. Từ tấm bé tôi được cha dạy ngâm thơ Đường, mẹ dạy dân ca. Giấc mộng tuổi thơ của tôi là bước chân vào cổng Trường đại học Tổng hợp và trở thành một nhà văn. Nhưng lớn lên, lại rẽ theo nghiệp ca hát. Có lẽ đó duyên tiền định từ kiếp trước” - Trên chiếc chiếu cói trước bàn thờ của Bích Câu đạo quán ở phố Cát Linh, Bạch Vân mở lời về nghiệp đàn hát của mình như vậy.
Đúng như tâm sự của Bạch Vân, ca trù cuốn phăng chị đi chỉ từ một tối được nghe Nghệ sỹ nhân dân Quách Thị Hồ hát. Qua tiếng hát của cụ, chị cảm thấy ca trù hay đến run người, còn những ca từ thì dường như như quen lắm, thân thuộc lắm.
Ngay sau tối ấy, chị bỏ tất cả những gì đã có để theo đuổi ca trù, bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình. Mong muốn duy nhất của Bạch Vân từ lúc đó chỉ còn là được hát, được sống trong không gian nghệ thuật cổ xưa nhưng cũng hết sức uyên bác ấy.
Bắt đầu học ca trù là từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng hành trình "Tầm sư học đạo" của Bạch Vân như một con đường dài và xa hun hút.
Chục năm trời, chị cất công đi tìm những tài liệu cũ, những nghệ nhân xưa ở Hà Nội cũng như khắp vùng Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương... với quyết tâm học lại những ngón nghề thất truyền. Nhưng để nhận được cái gật đầu của họ thật khó, bởi lẽ, cái danh "con hát" hàm ý miệt thị, khinh khi đã khiến nhiều nghệ nhân thoái lui, “mai danh ẩn tích.”
Như cụ Quách Thị Hồ - người đầu tiên Bạch Vân tìm đến, đã "dội" một gáo nước lạnh vào niềm đam mê của chị: "Học làm gì hả con? Ca trù một đời bà dùng còn chẳng hết. Con bà thì không học. Cháu ba, cô Thanh Huyền đấy, giọng đẹp như thế, cũng không thể sống chết với ca trù. Phần bà, tuy được giải thưởng quốc tế này nọ đấy, nhưng ở ta, ca trù chỉ có lụi đi thôi".
Nghe đắng đót như vậy nhưng Bạch Vân vẫn đến, xin học, nói chuyện với cụ Quách Thị Hồ về ca trù. Sau một thời gian dài, cảm động trước lòng ham mê của Bạch Vân, cụ đã đồng ý nhận chị làm học trò.
Rồi những bậc tài danh một thời như cụ Nguyễn Thị Phúc, cụ Chu Văn Du và cụ Phó Thị Kim Đức cũng vì cảm tấm lòng thiết tha của chị, nên thay vì đuổi chị đi, họ mở lòng, truyền nghề cho chị.
Mọi kỹ thuật của ca trù, từ cách lấy hơi, nhả chữ, nhả câu, chuốt phách cho nảy, giòn, cho tình tứ đến những kỹ thuật khó, những bài hát cổ và cả những thần thái của ca nương... họ đều dốc lòng truyền thụ.
“Nhớ nhất là lần tìm ra nghệ nhân Nguyễn Thị Sinh. Nghe một vị khách quen của ca trù xưa mách, một cô đào ca trù nổi tiếng ngày xưa đang bán quán nước dạo tại công viên Lênin, Hà Nội. Bạch Vân liền tìm đến.
Tuy nhiên, cụ Sinh nhất định không chịu nhận là đã từng hát ca trù. Cho đến khi tôi dẫn theo một nghệ nhân đàn đáy, cụ Sinh không thể cầm lòng được nữa, cứ mân mê cây đàn khen đẹp. Khi tiếng đàn cất lên, cụ buột miệng hát lúc nào không hay” - Bạch Vân kể lại.
* Giúp ca trù hồi sinh
Đã có thể ngồi chung chiếu hát với những bậc thầy của mình cũng là lúc Bạch Vân giật mình nhận ra, trong lúc ca trù còn chưa được công nhận trở lại thì các nghệ nhân tài danh đều đã tuổi cao sức yếu. Họ cứ lần lượt ra đi mà không người kế cận. Trong khi đó, những người “có nghề” không còn nhiều.
Vậy là, những trăn trở về việc làm thế nào để truyền đạt lại cho thế hệ sau những ngón nghề độc đáo của nghệ thuật ca trù thôi thúc trong chị. “Nghệ thuật ca trù muốn truyền lại cho thế hệ sau thì chỉ có truyền khẩu, mà truyền khẩu là một vấn đề hết sức nan giải”- Bạch Vân bộc bạch.
Đau đáu với suy nghĩ ấy, Bạch Vân đã bàn với cụ Chu Văn Du, Phó quản ca giáo phường Khâm Thiên, nghệ nhân đàn đáy đồng thời là thày dạy lúc đó, thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội.
Mục đích của chị là xóa bỏ đi mặc cảm con hát, cô đầu một thời; đồng thời, có được một nơi để những người yêu thích ca trù được tụ hội, được đàn hát sau mấy chục năm. Nhưng hơn cả, là gióng tiếng chuông báo động cho mọi người một môn nghệ thuật sắp mất, giới thiệu nghệ thuật đặc sắc với bạn bè trong và ngoài nước, đồng thời đào tạo thế hệ trẻ.
Bạch Vân kể, biết nỗ lực muốn góp sức chấn hưng, khôi phục ca trù của chị, nhiều người bảo thẳng với chị là “người đang lội ngược dòng vì người ta phù thịnh chứ ai phù suy.” Thế nhưng, Bạch Vân đã bỏ ngoài tai tất cả những lời đó, với lòng kiên định không gì có thể lay chuyển.
Chị bảo: “Nếu để ca trù mai một là có tội với ông cha. Yêu Thăng Long, yêu Hà Nội, chúng ta cần phải chung tay bảo vệ và giữ gìn ca trù”. Vậy là, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội ra đời vào năm 1991 với gần 200 hội viên. Bích Câu đạo quán được Bạch Vân xây dựng thành trụ sở của câu lạc bộ.
Chị cũng tự bỏ tiền túi ra để tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí, rồi đích thân đến mời và đưa đón các nghệ nhân tới biểu diễn. Lớp học về ca trù dành cho các bạn trẻ cũng được Bạch Vân mở ra.
Không chỉ dừng lại ở đó, Bạch Vân còn giúp Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Liên hoan Ca trù từ năm 2002, tổ chức các buổi hội thảo về ca trù tại Hà Nội. Và gần đây nhất, những đóng góp, tư liệu của chị vào Hồ sơ về di sản ca trù đã được Cục Di sản và Viện Âm nhạc hoàn thiện, chuyển tới UNESCO để rồi năm 2010, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Những cái tên “con hát,” “cô đầu” đầy miệt thị đã lùi xa để trở lại là ‘ca trù,” “đào nương”.
Trăn trở lớn còn lại của Bạch Vân là tìm được một học trò toàn tâm toàn ý để truyền nghề cũng đã vợi đi. Trong một đêm hát ở phố cổ, Bạch Vân đã phát hiện một học sinh lớp 8 quê Bắc Ninh có giọng rất chuẩn tìm đến học.
“Nghe giọng cô bé, tôi đã cảm nhận đó sẽ là người để mình dốc tâm truyền nghề. Vui hơn nữa, vừa rồi có một cháu bé ở Hà Nội đoạt giải cao trong cuộc thi Đồ Rê Mí cũng muốn được học ca trù. Chất giọng cháu cũng rất tốt” - Bạch Vân chia sẻ niềm vui./.
Người phụ nữ có gương mặt không son, không phấn với đôi mắt tươi tắn, nụ cười luôn rạng rỡ ấy là Lê Thị Bạch Vân.
* Duyên tiền định
“Tôi vốn được nuôi dạy trong một gia đình mang đậm tinh thần Nho giáo. Từ tấm bé tôi được cha dạy ngâm thơ Đường, mẹ dạy dân ca. Giấc mộng tuổi thơ của tôi là bước chân vào cổng Trường đại học Tổng hợp và trở thành một nhà văn. Nhưng lớn lên, lại rẽ theo nghiệp ca hát. Có lẽ đó duyên tiền định từ kiếp trước” - Trên chiếc chiếu cói trước bàn thờ của Bích Câu đạo quán ở phố Cát Linh, Bạch Vân mở lời về nghiệp đàn hát của mình như vậy.
Đúng như tâm sự của Bạch Vân, ca trù cuốn phăng chị đi chỉ từ một tối được nghe Nghệ sỹ nhân dân Quách Thị Hồ hát. Qua tiếng hát của cụ, chị cảm thấy ca trù hay đến run người, còn những ca từ thì dường như như quen lắm, thân thuộc lắm.
Ngay sau tối ấy, chị bỏ tất cả những gì đã có để theo đuổi ca trù, bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình. Mong muốn duy nhất của Bạch Vân từ lúc đó chỉ còn là được hát, được sống trong không gian nghệ thuật cổ xưa nhưng cũng hết sức uyên bác ấy.
Bắt đầu học ca trù là từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng hành trình "Tầm sư học đạo" của Bạch Vân như một con đường dài và xa hun hút.
Chục năm trời, chị cất công đi tìm những tài liệu cũ, những nghệ nhân xưa ở Hà Nội cũng như khắp vùng Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương... với quyết tâm học lại những ngón nghề thất truyền. Nhưng để nhận được cái gật đầu của họ thật khó, bởi lẽ, cái danh "con hát" hàm ý miệt thị, khinh khi đã khiến nhiều nghệ nhân thoái lui, “mai danh ẩn tích.”
Như cụ Quách Thị Hồ - người đầu tiên Bạch Vân tìm đến, đã "dội" một gáo nước lạnh vào niềm đam mê của chị: "Học làm gì hả con? Ca trù một đời bà dùng còn chẳng hết. Con bà thì không học. Cháu ba, cô Thanh Huyền đấy, giọng đẹp như thế, cũng không thể sống chết với ca trù. Phần bà, tuy được giải thưởng quốc tế này nọ đấy, nhưng ở ta, ca trù chỉ có lụi đi thôi".
Nghe đắng đót như vậy nhưng Bạch Vân vẫn đến, xin học, nói chuyện với cụ Quách Thị Hồ về ca trù. Sau một thời gian dài, cảm động trước lòng ham mê của Bạch Vân, cụ đã đồng ý nhận chị làm học trò.
Rồi những bậc tài danh một thời như cụ Nguyễn Thị Phúc, cụ Chu Văn Du và cụ Phó Thị Kim Đức cũng vì cảm tấm lòng thiết tha của chị, nên thay vì đuổi chị đi, họ mở lòng, truyền nghề cho chị.
Mọi kỹ thuật của ca trù, từ cách lấy hơi, nhả chữ, nhả câu, chuốt phách cho nảy, giòn, cho tình tứ đến những kỹ thuật khó, những bài hát cổ và cả những thần thái của ca nương... họ đều dốc lòng truyền thụ.
“Nhớ nhất là lần tìm ra nghệ nhân Nguyễn Thị Sinh. Nghe một vị khách quen của ca trù xưa mách, một cô đào ca trù nổi tiếng ngày xưa đang bán quán nước dạo tại công viên Lênin, Hà Nội. Bạch Vân liền tìm đến.
Tuy nhiên, cụ Sinh nhất định không chịu nhận là đã từng hát ca trù. Cho đến khi tôi dẫn theo một nghệ nhân đàn đáy, cụ Sinh không thể cầm lòng được nữa, cứ mân mê cây đàn khen đẹp. Khi tiếng đàn cất lên, cụ buột miệng hát lúc nào không hay” - Bạch Vân kể lại.
* Giúp ca trù hồi sinh
Đã có thể ngồi chung chiếu hát với những bậc thầy của mình cũng là lúc Bạch Vân giật mình nhận ra, trong lúc ca trù còn chưa được công nhận trở lại thì các nghệ nhân tài danh đều đã tuổi cao sức yếu. Họ cứ lần lượt ra đi mà không người kế cận. Trong khi đó, những người “có nghề” không còn nhiều.
Vậy là, những trăn trở về việc làm thế nào để truyền đạt lại cho thế hệ sau những ngón nghề độc đáo của nghệ thuật ca trù thôi thúc trong chị. “Nghệ thuật ca trù muốn truyền lại cho thế hệ sau thì chỉ có truyền khẩu, mà truyền khẩu là một vấn đề hết sức nan giải”- Bạch Vân bộc bạch.
Đau đáu với suy nghĩ ấy, Bạch Vân đã bàn với cụ Chu Văn Du, Phó quản ca giáo phường Khâm Thiên, nghệ nhân đàn đáy đồng thời là thày dạy lúc đó, thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội.
Mục đích của chị là xóa bỏ đi mặc cảm con hát, cô đầu một thời; đồng thời, có được một nơi để những người yêu thích ca trù được tụ hội, được đàn hát sau mấy chục năm. Nhưng hơn cả, là gióng tiếng chuông báo động cho mọi người một môn nghệ thuật sắp mất, giới thiệu nghệ thuật đặc sắc với bạn bè trong và ngoài nước, đồng thời đào tạo thế hệ trẻ.
Bạch Vân kể, biết nỗ lực muốn góp sức chấn hưng, khôi phục ca trù của chị, nhiều người bảo thẳng với chị là “người đang lội ngược dòng vì người ta phù thịnh chứ ai phù suy.” Thế nhưng, Bạch Vân đã bỏ ngoài tai tất cả những lời đó, với lòng kiên định không gì có thể lay chuyển.
Chị bảo: “Nếu để ca trù mai một là có tội với ông cha. Yêu Thăng Long, yêu Hà Nội, chúng ta cần phải chung tay bảo vệ và giữ gìn ca trù”. Vậy là, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội ra đời vào năm 1991 với gần 200 hội viên. Bích Câu đạo quán được Bạch Vân xây dựng thành trụ sở của câu lạc bộ.
Chị cũng tự bỏ tiền túi ra để tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí, rồi đích thân đến mời và đưa đón các nghệ nhân tới biểu diễn. Lớp học về ca trù dành cho các bạn trẻ cũng được Bạch Vân mở ra.
Không chỉ dừng lại ở đó, Bạch Vân còn giúp Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Liên hoan Ca trù từ năm 2002, tổ chức các buổi hội thảo về ca trù tại Hà Nội. Và gần đây nhất, những đóng góp, tư liệu của chị vào Hồ sơ về di sản ca trù đã được Cục Di sản và Viện Âm nhạc hoàn thiện, chuyển tới UNESCO để rồi năm 2010, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Những cái tên “con hát,” “cô đầu” đầy miệt thị đã lùi xa để trở lại là ‘ca trù,” “đào nương”.
Trăn trở lớn còn lại của Bạch Vân là tìm được một học trò toàn tâm toàn ý để truyền nghề cũng đã vợi đi. Trong một đêm hát ở phố cổ, Bạch Vân đã phát hiện một học sinh lớp 8 quê Bắc Ninh có giọng rất chuẩn tìm đến học.
“Nghe giọng cô bé, tôi đã cảm nhận đó sẽ là người để mình dốc tâm truyền nghề. Vui hơn nữa, vừa rồi có một cháu bé ở Hà Nội đoạt giải cao trong cuộc thi Đồ Rê Mí cũng muốn được học ca trù. Chất giọng cháu cũng rất tốt” - Bạch Vân chia sẻ niềm vui./.
Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)