Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu tác động “thiên tai kép"

Bài 1: Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu tác động “thiên tai kép"

Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động của "thiên tai kép" - nắng nóng, khô hạn kèm theo xâm nhập mặn - gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Bài 1: Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu tác động “thiên tai kép" ảnh 1Một cánh đồng lúa bị mất trắng vì khô hạn kéo dài. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan cực kỳ nghiêm trọng như mùa đông ấm, rét hại kèm theo băng tuyết ở vùng núi phía Bắc; hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt ở Miền Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long).

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm làm rõ nguyên nhân của những hiện tượng thời tiết cực đoan này. Sau đây là nội dung phỏng vấn.

Thưa Cục trưởng, diễn biến thời tiết cực đoan kể từ cuối năm 2015 đến nay, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có phải là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gia tăng hay không?

Cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ: Biến đổi khí hậu biểu hiện rõ nhất là tăng nhiệt độ toàn cầu, nước biển dâng và cực đoan về thời tiết. Năm 2015 là năm có biểu hiện rất rõ nét về sự gia tăng của hiện tượng cực đoan về thời tiết, tiêu biểu là rét kỷ lục ở miền Bắc, mưa lớn ở Quảng Ninh hay ở Ninh Thuận, Quảng Ngãi có mưa khi đang là mùa hạn, nắng nóng kỷ lục trong mùa hè (có 16 vị trí quan trắc khí tượng thuỷ văn cho thấy số liệu mức lịch sử vượt trên 40 độ C).

Đặc biệt, mùa khô năm nay là hạn hán, kết hợp với hiện tượng El Nino. Số liệu quan trắc cho thấy đây là năm El Nino mạnh kỷ lục trong vòng 60 năm qua.

El Nino đã được dự báo trước, kèm theo hiện tượng này là thiếu hụt về lượng mưa và hạn hán với mức độ gia tăng là rất lớn. Chính hạn hán của những tháng mùa khô kết hợp với mùa mưa năm 2015 lượng mưa ít, dẫn đến mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp nhất trong lịch sử 100 năm quan trắc. Do vậy dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn rất nghiêm trọng tại khu vực này và còn kéo dài đến tháng 5, thậm chí là sang cả tháng 6 năm nay.

Có thể nói, Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động của hiện tượng "thiên tai kép," tức là giữa nắng nóng, khô hạn kèm theo xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân tại đây.

Được biết Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu đã và đang triển khai một số chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy các chương trình, dự án này đã được thực hiện ra sao? Đã có dự án nào phát huy được hiệu quả hay chưa thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ: Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực biến đổi khí hậu, những năm qua, trong khuôn khổ chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu cũng phối hợp với các Bộ, ngành để tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chính phủ xây dựng danh mục các dự án liên quan đến lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu (trong đó có các dự án về chống xâm nhập mặn, xây dựng các nguồn nước ngọt để đảm bảo cung cấp cho nhân dân trong mùa khô), như các các công trình cống ngăn mặn ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang; các hồ chứa trữ nước ngọt để cấp nước vào mùa khô như là ở Tri Tôn (An Giang), dự án ở Bến Tre…

Tuy vậy, do hạn chế của nguồn vốn đầu tư nên mới chỉ có một số dự án được triển khai. Tiêu biểu như cống Kiên (Kiên Giang), kênh Xà Nô (Hậu Giang), cống ngăn mặn ở vùng Bạc Liêu; hệ thống hồ chứa nước ngọt ở Tri Tôn (An Giang) đang được thực hiện. Nhưng vẫn chưa có công trình nào hoàn thành và phát huy được tác dụng trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay.

Ngoài ra còn có các dự án khác như hệ thống đê bao ven biển, trồng rừng ngập mặn... Những dự án này không trực tiếp để chống xâm nhập mặn nhưng đang góp phần hỗ trợ cho việc bảo vệ hệ sinh thái ven biển, bảo vệ bờ biển; hạn chế một phần nào đó ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Các dự án này vẫn đang trong quá trình thực hiện, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, những công trình thuộc các dự án này sẽ phát huy tác dụng khi hoàn thành.

Xin Cục trưởng cho biết kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm của Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu trong năm 2016?

Cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ: Thứ nhất, về xây dựng chính sách trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn: Luật Khí tượng Thuỷ văn sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7 tới và đi kèm theo Luật này, chúng tôi phải xây dựng các nghị định, thông tư để hướng dẫn chi tiết việc thi hành luật. Ngoài ra, còn có Thông tư liên quan đến các vấn đề về quy trình chuyên môn, những định mức kinh tế-kỹ thuật. Chính vì vậy, năm 2016, chúng tôi phải trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 11 Thông tư liên quan đến lĩnh vực khí tượng thuỷ văn.

Việc chỉ đạo về công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai, thời tiết để dự báo đúng, dự báo chính xác các hiện tượng thời tiết, đặc biệt là thời tiết cực đoan gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cũng là nhiệm vụ rất lớn của Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu.

Thứ hai, đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện Thoả thuận Paris. Chúng tôi có trách nhiệm xây dựng để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch triển khai thực hiện Thoả thuận, trong đó tập trung vào những vấn đề chính như xây dựng các thể chế, chính sách, lộ trình. Việc này nằm trong khuôn khổ của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC) - tức là xây dựng diễn đàn chính sách, khung chính sách.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến lộ trình để chúng ta làm giảm phát thải khí nhà kính; nhóm các giải pháp, chính sách, dự án chương trình để thực hiện việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nội dung này đều nằm trong việc triển khai của Thoả thuận Paris , đồng thời để thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC), mà Việt Nam đã xây dựng và trình ra các tổ chức quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục